Cách bảo quản sữa mẹ an toàn, khoa học và dễ hiểu

Bé bú bình

Trữ đông sữa mẹ là một việc cần thiết khi mẹ có nhiều sữa. Đây cũng là cách để đảm bảo nguồn sữa mẹ cho bé bú khi mẹ đi làm hay khi gia đình đi du lịch, thay vì phải pha sữa công thức cho bé. Để đảm bảo nguồn dinh dưỡng trong sữa mẹ, bạn cần biết cách bảo quản sữa mẹ chuẩn khoa học.

Bài viết này sẽ chia sẻ chi tiết những điều bạn cần biết để bảo quản sữa mẹ đúng cách.

Các dụng cụ cần có để bảo quản sữa mẹ

Cách bảo quản sữa mẹ đúng rất quan trọng

Điều quan trọng nhất đối với việc bảo quản sữa mẹ là yếu tố vệ sinh. Để bảo quản sữa mẹ đúng chuẩn, bạn cần chuẩn bị các dụng cụ sau:

  • Máy hút sữa (nếu mẹ hút sữa bằng máy). Mẹ bỏ qua thiết bị này nếu tự vắt sữa mẹ bằng tay nhé. Bạn phải rửa tay thật sạch bằng xà phòng hoặc bằng dung dịch rửa tay sát khuẩn. Máy hút sữa cũng cần được vệ sinh thật sạch sẽ trước khi sử dụng.
  • Bình hoặc túi chứa sữa:
    • Bạn hãy dùng loại túi nhựa, bình nhựa hoặc bình thủy tinh có nắp chuyên dụng để đựng sữa mẹ sau khi vắt.
    • Bạn có thể dễ dàng mua được những dụng cụ này ở các cửa hàng mẹ và bé hoặc các trang thương mại điện tử.
    • Bạn nhớ mua sản phẩm của thương hiệu uy tín, với chất liệu an toàn (không chứa BPA, tránh vật liệu có ký hiệu số 7 trên sản phẩm).
    • Khi để trong tủ đá, bình nhựa hoặc bình thủy tinh có thể bị biến dạng hoặc vỡ. Bạn cần đọc kỹ hướng dẫn của nhà sản xuất để sử dụng bình cho chuẩn xác.
  • Thùng cách nhiệt: Trong trường hợp nhà bạn bị mất điện đột ngột, hoặc bạn đưa bé đi du lịch xa, bạn để túi chứa sữa mẹ đã cấp đông vào thùng cách nhiệt và bảo quản bằng đá trong vòng 24h. Khi có điện lại, hoặc khi đến địa điểm lưu trú, bạn chuyển túi sữa vào tủ đá lưu trữ như bình thường.

Bảo quản sữa mẹ trong bao nhiêu lâu?

Để đảm bảo chất lượng sữa mẹ, bạn cần tuân thủ đúng các nguyên tắc về thời gian lưu trữ sữa.

Theo hướng dẫn của Viện dinh dưỡng Việt NamCDC Hoa Kỳ, thời gian bảo quản sữa mẹ như sau:

  • Ở nhiệt độ phòng dưới 25℃, nơi sạch sẽ, thoáng mát. Có thể bảo quản sữa mẹ tối đa 4 giờ đồng hồ.
  • Bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh (nhiệt độ 4℃): có thể để được tối đa 4 ngày.
  • Để trong ngăn đá tủ lạnh hoặc tủ đông trữ sữa chuyên dụng (nhiệt độ dưới -18℃). Sử dụng sữa mẹ tốt nhất trong vòng 6 tháng và có thể trữ đông lên đến 12 tháng.
  • Sữa còn dư bé bú không hết: Sử dụng tối đa trong vòng 2h kể từ khi bé bú.

Cách bảo quản sữa mẹ trong ngăn đá tủ lạnh

Cách bảo quản sữa mẹ trong ngăn đá tủ lạnh
Trữ đông sữa mẹ trong các túi sữa có ghi ngày (Ảnh: BABYTUTI)

Ban đầu, khi bạn chưa quen, cách bảo quản sữa mẹ có thể khá phức tạp. Về cơ bản, để trữ đông sữa mẹ an toàn, bạn chỉ cần làm đúng các nguyên lý về vệ sinh và thời gian bảo quản sữa.

Để bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh, bạn cần thực hiện các bước sau:

  • Sữa mẹ vắt ra hoặc hút ra cần được cho ngay sữa vào các túi nhựa dung tích 60ml – 120ml. Dung tích túi này phù hợp với lượng sữa cho bé sử dụng một lần. Không nên trữ sữa trong túi lớn, bé không bú hết gây lãng phí.
  • Khi cho sữa vào túi, mẹ nhớ để lại một ít không gian trống ở phần miệng túi, do thể tích của chất lỏng sẽ tăng lên khi trữ đông. Hút hết không khí bên trong túi. Mẹ có thể đặt miệng túi lên mép bàn và miết nhẹ để đẩy không khí ra ngoài tự nhiên), rồi khóa kín miệng túi.
  • Ghi ngày, giờ vắt sữa lên túi để thuận tiện cho việc sử dụng. Tránh việc lưu trữ sữa quá lâu. Nếu bé đi lớp, mẹ nhớ ghi tên bé lên túi sữa để phân biệt nhé.
  • Làm lạnh nhanh sữa mẹ trong 30 phút. Sau đó trữ đông trong ngăn đá tủ lạnh hoặc tủ đông trữ sữa chuyên dụng.
  • Để túi trữ sữa vào sâu bên trong ngăn đá tủ lạnh. Tránh để túi sữa ở cánh cửa tủ lạnh. Cửa được đóng mở liên tục sẽ ảnh hưởng đến việc cấp đông sữa. Sắp xếp túi sữa cũ ở ngoài, túi sữa mẹ mới vắt ở trong.

Cách rã đông sữa mẹ

Rã đông sữa mẹ đúng cách

Khi cần sử dụng sữa mẹ đã trữ đông, bạn đưa túi sữa xuống ngăn mát tủ lạnh khoảng 1 ngày để rã đông.

Bạn lưu ý rã đông theo nguyên tắc first in – first out. Tức là sữa cấp đông trước được rã đông để dùng trước. Bằng cách đó, bạn sẽ tránh được việc các túi trữ sữa bị để quá lâu trong tủ đến hết hạn sử dụng.

Sau khi sữa đã được rã đông và chuyển thành dạng lỏng, bạn lắc nhẹ túi sữa để phần váng sữa chứa chất béo và phần nước sữa hòa trộn lại với nhau. Hiện tượng sữa tách nước là rất bình thường đối với sữa mẹ bảo quản trong tủ lạnh, bạn có thể yên tâm sử dụng sữa bình thường nhé.

Cách hâm nóng sữa mẹ

Có thể dùng máy hâm sữa để hâm nóng sữa mẹ
  • Sau khi lấy sữa từ ngăn mát tủ lạnh, bạn ngâm túi sữa trong nước ấm khoảng 40℃. Bạn có thể dùng máy hâm sữa, cho đến khi sữa đạt nhiệt độ phù hợp với bé là được.
  • Bạn lưu ý khi rã đông sữa mẹ, không đun nóng sữa trên bếp, không dùng lò vi sóng hoặc ngâm trong nước quá nóng. Nhiệt độ quá cao sẽ làm hỏng vitamin và chất dinh dưỡng có trong sữa mẹ. Một số dòng máy hâm sữa cắm điện có chức năng rã đông có thể hỗ trợ mẹ rã đông sữa nhanh chóng. Mẹ có thể tham khảo trong bài viết khác của Duyên theo link này.
  • Sữa mẹ đã rã đông hoặc hâm nóng không được tái cấp đông. Sữa bé bú còn dư chỉ nên sử dụng trong vòng 2h sau khi bé bú. Sau thời gian đó thì bạn phải bỏ sữa còn dư đi.
  • Không trộn sữa mẹ mới vắt với sữa đã rã đông.

Cách nhận biết sữa mẹ bị hỏng

Cần biết cách bảo quản sữa mẹ để sữa mẹ không hỏng
Cần biết cách bảo quản sữa mẹ để sữa mẹ không bị hỏng

Bạn có thể nhận biết sữa mẹ bị hỏng bằng cách quan sát túi sữa sau khi đã rã đông. Nếu xuất hiện kết tủa trắng đục thì sữa mẹ đã bị hỏng. Nếu xuất hiện váng sữa mỏng thì sữa mẹ vẫn tốt và có thể sử dụng được.

Sữa mẹ đông lạnh có tốt không?

Sữa mẹ đông lạnh không tốt bằng cho bé bú trực tiếp

Thực tế, việc trữ sữa mẹ rất thuận tiện cho mẹ và bé. Nhất là khi mẹ đã quay trở lại làm việc và không thể về cho bé bú thường xuyên.

Tuy nhiên, sữa mẹ đông lạnh không thể tốt bằng sữa mẹ được bú trực tiếp, do những nguyên nhân sau:

  • Sữa mẹ trữ đông lâu ngày có thể làm mất men lipase để tiêu hóa chất béo trong sữa, khiến bé khó hấp thụ chất dinh dưỡng trong sữa mẹ hơn.
  • Các thành phần trong sữa mẹ sẽ thay đổi phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Sữa mẹ lưu trữ vài tháng có thể không còn phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của bé nữa.
  • Cách bảo quản sữa mẹ không đúng có thể khiến trẻ bị nhiễm khuẩn đường tiêu hóa.

Kết luận

Sữa mẹ khi mới vắt chứa nhiều vitamin và dưỡng chất nhất cho sự phát triển và hệ miễn dịch của bé. Do vậy, mẹ cố gắng cho bé bú trực tiếp hoặc uống ngay sau khi vắt sữa mẹ nhé.

Trong trường hợp mẹ bắt buộc phải bảo quản sữa trong tủ lạnh, hãy áp dụng cách bảo quản sữa mẹ chính xác để đảm bảo lưu giữ được nhiều dưỡng chất nhất cho bé yêu.

Chúc bạn có một hành trình nuôi con vui vẻ.

Đọc thêm:

  1. Top thực phẩm lợi sữa cho mẹ sau sinh
  2. Top 5 bình đun nước pha sữa tiện lợi cho mẹ bỉm

Chia sẻ bài viết này

Tran Thuy Duyen
Tran Thuy Duyen
Duyên là một Integrative Nutrition Health Coach được công nhận bởi Institute of Integrative Nutrition (IIN - Hoa Kỳ). Duyên yêu thích việc học hỏi và áp dụng các kiến thức đã học được vào cuộc sống của mình. Sở thích là viết lách, chia sẻ, đọc sách và du lịch.

Bạn thấy bài viết này giá trị, hãy tặng mình 1 ly cafe nhé!

Bài viết liên quan

Lưu ý: Một số đường link trong bài viết này có thể là link tiếp thị liên kết. Khi bạn mua hàng qua các đường link này, người bán sẽ trả chúng tôi một phần nhỏ hoa hồng và không phát sinh thêm chi phí nào cho bạn. Đó cũng là cách để bạn ủng hộ chúng tôi trong việc cung cấp các thông tin chất lượng và miễn phí. Xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ của bạn.

Bạn có thể tham khảo chi tiết Chính sách riêng tư tại đây.

Mục lục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: