7 dấu hiệu bé sẵn sàng để ăn dặm – mẹ cần làm gì tiếp theo?

Featured image bé ăn dặm

Ăn dặm là quá trình bổ sung dinh dưỡng thông qua các loại thực phẩm khác ngoài sữa mẹ cho trẻ sơ sinh. Đây là một trong những giai đoạn vô cùng quan trọng hình thành nên hệ tiêu hóa của bé. Do vậy, cần xác định đúng thời điểm ăn dặm phù hợp. Bài viết này sẽ giúp mẹ tìm ra những dấu hiệu bé sẵn sàng để ăn dặm. Đồng thời, cung cấp thêm những kiến thức cơ bản mẹ cần biết trước khi bắt đầu hành trình này.

Độ tuổi vào là phù hợp nhất để bé ăn dặm?

dấu hiệu nhận biết bé muốn ăn dặm

Các chuyên gia nhi khoa hàng đầu trên thế giới đều thống nhất rằng: thời điểm phù hợp nhất để bé ăn dặm là sau khi bé được 6 tháng tuổi. Nguyên nhân là do:

  • Trong 6 tháng đầu đời, sữa mẹ hầu như cung đầy đủ mọi thứ cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Do vậy không cần thiết phải bổ sung dinh dưỡng ngoài.
  • Mức độ hấp thu dinh dưỡng của trẻ dưới 6 tháng tuổi tương đối hạn chế. Việc ăn dặm sớm sẽ khiến bé bỏ lỡ một phần dinh dưỡng từ sữa mẹ.
  • Trong 6 tháng đầu, hệ tiêu hóa của trẻ đang trong giai đoạn phát triển và chưa phù hợp để tiêu hóa một số loại thức ăn.
  • Ăn dặm khi bé chưa được 6 tháng tuổi dễ dẫn đến hiện tượng nghẹn. Do hoạt động của miệng lưỡi, cổ họng chưa phối hợp tốt với nhau để nuốt thức ăn cứng.

7 dấu hiệu bé sẵn sàng để ăn dặm

Thời điểm phù hợp nhất để bé ăn dặm sớm là sau 6 tháng. Tuy nhiên, có một vài trường hợp ngoại lệ, trẻ có dấu hiệu đói và phát triển nhanh hơn bình thường. Khi đó bạn có thể cho trẻ tập ăn sớm hơn. Dưới đây là 7 dấu hiệu dễ nhận biết khi nào trẻ đã muốn ăn dặm.

Các dấu hiệu của bé có thể đến sớm hơn (thời điểm 4-5 tháng). Hoặc muộn hơn (sau 6 tháng) tùy vào thể trạng của bé. Mẹ nên quan sát để xác định đâu là thời điểm phù hợp, hoặc hỏi ý kiến bác sĩ trước khi quyết định.

4 dấu hiệu bé muốn ăn dặm dễ nhận biết

4 dấu hiệu bé sẵn sàng để ăn dặm

Đôi khi em bé sẽ tỏ ra đói, đòi thêm sữa hoặc quấy khóc giữa đêm. Nhưng đó chưa hẳn là dấu hiệu bé đã sẵn sàng, mẹ chỉ cần cho bé bú thêm là đủ.

4 biểu hiệu dưới đây là dấu hiệu cho thấy bé đã sẵn sàng ăn dặm. Các biểu hiện này thường xuất hiện từ tháng thứ 5.

  • Bé có thể tự ngồi và giữ đầu trong tư thế thẳng.
  • Bé tỏ ra tương đối háo hức khi quan sát người lớn ăn cơm.
  • Bé tỏ ra bị đói dù đã bú mẹ hoặc uống thêm sữa bột.
  • Bé tăng cân gần gấp đôi so với khi vừa mới chào đời.

3 dấu hiệu bé đã sẵn sàng để ăn dặm

Sau khi đã nhận dạng được 4 biểu hiện bé muốn ăn dặm, việc mẹ cần làm là thử nghiệm phản xạ của bé với đồ ăn để xác định 3 dấu hiệu còn lại. Trong các lần thử đầu tiên, bé có thể sẽ đẩy ra do thói quen phản xạ của cơ thể. Hãy liên tục thử nghiệm trong vài tuần để có thể chắc chắn bé muốn ăn dặm sớm.

  • Khi mẹ đưa thức ăn, bé tỏ ra thích thú.
  • Khi mẹ đưa thìa hoặc đồ vật nhỏ vào miệng, bé không dùng lưỡi đẩy ra.
  • Khi mẹ thử đưa thức ăn vào miệng, bé biết phản ứng nhận thức ăn.
Mẹ cần nhận biết dấu hiệu bé sẵn sàng ăn dặm

Như vậy, để xác định rõ ràng bé đã sẵn sàng ăn dặm, mẹ nên dành thời gian quan sát và thử nghiệm một số dấu hiệu với con kể từ tháng thứ 5 hoặc sớm hơn một chút, nếu bé có các biểu hiện sớm. Ăn dặm kịp thời sẽ cung cấp đủ dưỡng chất cho sự phát triển cả về tầm vóc và trí tuệ của trẻ sau này.

Mẹ cần chuẩn bị gì cho việc ăn dặm của bé

Chuẩn bị kỹ càng không chỉ giúp mẹ tập cho bé ăn dặm hiệu quả, mà còn tránh được các nguy hiểm không cần thiết trong quá trình bé tập ăn. Để bắt đầu, mẹ nên chuẩn bị tốt ít nhất là 3 việc sau.

Tìm hiểu đầy đủ kiến thức

Mẹ cần chuẩn bị kiến thức khi thấy dấu hiệu bé sẵn sàng để ăn dặm

Bạn nên tự tham khảo các website, blog uy tín, tìm đọc sách hướng dẫn cho trẻ ăn dặm. Hoặc tham khảo ý kiến chuyên gia để tự nâng cao kiến thức cho mình. Tuy nhiên, đừng quá cứng nhắc khi áp dụng các phương pháp cho trẻ ăn dặm.

Thêm vào đó, mẹ cũng cần biết các phương pháp xử lý sự cố bất ngờ như: trẻ bị hóc, nghẹn khi ăn, trẻ bị dị ứng sau khi ăn các đồ ăn không phù hợp…

Vì sức khỏe và an toàn của con, mẹ hãy dành thời gian tìm hiểu hoặc tham khảo ý kiến của chuyên gia uy tín. Kể từ thời điểm trẻ 6 tháng tuổi, hoặc khi bé có các dấu hiệu muốn ăn dặm sớm, cha mẹ hãy thu xếp công việc để dành thời gian nhiều hơn cho con.

Chuẩn bị thực đơn đa dạng đảm bảo dinh dưỡng

Tìm hiểu thực đơn khi thấy dấu hiệu bé đã sẵn sàng ăn dặm

Trong giai đoạn tập ăn dặm ban đầu, mẹ chỉ cần sử dụng các loại bột ăn dặm pha loãng hoặc các loại cháo nhẹ nhàng để bé quen với việc ăn. Khi bé đã tự ăn tốt rồi, mẹ hãy xây dựng thực phù hợp để đảm bảo dinh dưỡng cho con.

Lưu ý rằng, thực đơn không những cần đảm bảo dinh dưỡng mà còn phải có sự điều chỉnh phù hợp cho theo sở thích của trẻ. Điều này sẽ khiến trẻ yêu thích và chờ mong bữa ăn hơn.

Trong những tháng đầu tiên trẻ bắt đầu ăn dặm thì mẹ vẫn nên duy trì cho bé bú. Sữa mẹ trong giai đoạn này có thể giúp bé không bị thiếu dinh dưỡng. Mẹ có thể sử dụng thêm sữa công thức để con phát triển toàn diện. Nếu mẹ bận rộn, hãy tham khảo gợi ý của mình về những máy pha sữa tự động cực tiện ích nhé.

Liên tục kiểm tra tình trạng sức khỏe của bé. Nếu phát hiện thấy các biểu hiện bất thường, mẹ hãy liên lạc với chuyên gia dinh dưỡng hoặc bác sĩ nhi khoa để có được lời khuyên đúng đắn.

Chuẩn các công cụ phù hợp cho bé ăn dặm

Những công cụ cơ bản mà mẹ cần chuẩn bị và lựa chọn cẩn thận trước khi cho con ăn dặm, bao gồm:

  • Ghế tập ăn dặm. Nên lựa chọn ghế ngồi phù hợp kích thước cơ thể của bé, có độ cao phù hợp để bé có thể ngồi ăn cùng gia đình. Ghế có điểm tựa và diện tích mặt bàn đủ rộng để chứa nhiều loại đồ ăn khác nhau.
  • Máy xay thức ăn. Các loại máy xay giúp mẹ dễ dàng nghiền các loại thức ăn rắn, giúp bé dễ nuốt và tránh bị nghẹn. Hãy lựa chọn máy xay ăn dặm có chất lượng cao để hạn chế các sự cố có thể xảy ra trong quá trình chế biến thức ăn nhé.
  • Túi nhai và bình bóp. Đây là các dụng cụ được làm bằng nhựa hoặc silicon mềm mại có chứa các lỗ thoát thức ăn. Mẹ có thể cho các loại thức ăn lỏng và mềm được xay nhỏ để bé tự nhai và tìm hiểu món ăn.
  • Bộ thìa dĩa bát bằng nhựa an toàn không chứa các thành phần độc hại, có độ mềm dẻo và linh hoạt để không gây tổn thương răng, lợi của trẻ.

Các nguyên tắc cơ bản khi cho bé ăn dặm

Tập ăn dặm là quá trình giúp hệ tiêu hóa của trẻ tiếp xúc với các loại thức ăn khác nhau và cũng hình thành nên thói quen ăn uống sau này.

Mẹ hãy tham khảo 6 nguyên tắc cơ bản mà các chuyên gia dinh dưỡng đề xuất áp dụng cho bé ăn dặm khi đã sẵn sàng.

Không ăn dặm trước 4 tháng tuổi

Dấu hiệu cho thấy bé đã sẵn sàng ăn dặm thường xuất hiện trẻ từ khi trẻ được 6 tháng tuổi, có thể sớm hơn 1 chút (5 tháng). Nhưng không nên cho bé ăn dặm trước 4 tháng tuổi.

Ăn dặm quá sớm dễ khiến bé bị sặc hoặc nghẹn do chưa thể kiểm soát được thao tác nuốt. Hệ tiêu hóa của trẻ còn quá non nớt và thiếu các loại men tiêu hóa phù hợp. Dẫn đến rất khó tiêu hóa thức ăn được đưa vào.

Không ăn dặm sau 24 tháng

Không nên kéo dài quá trình ăn dặm của bé quá lâu. Sau 24 tháng tuổi, quá trình tập cho hệ tiêu hóa làm quen với thức ăn đã sớm kết thúc. Lúc này, việc mẹ nên làm là tập thói quen ăn uống chủ động cho trẻ và cho bé ăn bình thường.

Ăn từ ít đến nhiều, loãng đến đặc

Ăn dặm từ loãng đến đặc

Để tập ăn dặm cho bé, mẹ nên bắt đầu từ tốn và chậm chạp. Hãy cho bé ăn với lượng thức ăn nhỏ, và tăng dần khẩu phần theo tuần. Thức ăn cũng nên tương đối loãng vào thời điểm đầu để bé tập nuốt. Và có thể đặc hơn khi bé đã quen với việc ăn.

Ăn thực vật trước, động vật sau

Việc tiêu hóa đạm động vật sớm là gánh nặng tương đối lớn với hệ tiêu hóa của bé. Do vậy, ở thời điểm 6 tháng tuổi mẹ hãy cho bé bắt đầu ăn dặm với đồ ăn hoàn toàn từ thực vật. Từ tháng thứ 7 trở đi, hãy bổ sung các loại thịt dễ tiêu hóa và tăng dần để bé làm quen.

Ăn từ ngọt đến mặn

Ăn từ ngọt đến mặn

Thận của trẻ sơ sinh tương đối yếu ớt. Do vậy mẹ nên cho bé tập ăn trước với các đồ ăn có vị ngọt. Sau đó, thêm dần các đồ ăn mặn để trẻ làm quen dần.

Trong quá trình chế biến đồ ăn không nên sử dụng mắm, muối quá nhiều để giảm gánh nặng mà thận phải gánh chịu trong quá trình tiêu thụ thức ăn.

Không nên thay đổi thực phẩm ăn dặm quá nhanh

Để bé kịp thời làm quen với hương vị của từng loại thực phẩm, đừng thay đổi đồ ăn quá nhanh. Mẹ cũng cần thời gian quan sát xem bé có thích đồ ăn mới hoặc có các biểu hiện dị ứng hay không. Thông thường thời gian phù hợp sẽ là 3 ngày thay đổi 1 lần.

Các phương pháp ăn dặm cho trẻ 6 tháng tuổi

Có rất nhiều phương pháp tập ăn khác nhau được các mẹ áp dụng. Tuy nhiên 2 phương pháp ăn dặm sau đây được nhiều chị em lựa chọn sử dụng nhất. Mỗi phương pháp ăn dặm đều có ưu nhược điểm khác nhau. Mẹ nên dành thời gian tìm hiểu thêm trước khi con sẵn sàng ăn dặm.

Phương pháp ăn dặm truyền thống

Ăn dặm truyền thống

Phương pháp ăn dặm truyền thống được đã được các bà các mẹ áp dụng từ xưa. Thức ăn sẽ được xay nhuyễn hoặc nấu thành dạng bột. Mẹ sẽ dùng thìa nhỏ đút từng miếng cho bé ăn.

Phương pháp ăn dặm truyền thống có các ưu điểm như: đỡ tốn thời gian với mỗi bữa ăn, kiểm soát được lượng thức ăn dành cho em bé.

Tuy nhiên phương pháp ăn dặm truyền thống cũng tồn tại nhiều hạn chế. Chẳng hạn, bé dễ bị béo phì do ăn quá nhiều, mẹ không nhận biết được bé thích ăn gì. Việc được mẹ đút cho bé ăn dặm trong thời gian dài cũng khiến bé dễ kén ăn, ngại ăn nếu liên tục ăn những món mà mình không thích.

Phương pháp ăn dặm tự chỉ huy (BLW)

Ăn dặm tự chỉ huy

Ăn dặm tự chỉ huy là một phương pháp ăn dặm tiên tiến được nhiều mẹ lựa chọn. Khi sử dụng phương pháp này, em bé sẽ chủ động hoàn toàn trong bữa ăn. Mẹ chỉ ngồi bên cạnh quan sát và hỗ trợ.

Ưu điểm

  • Bé chủ động hơn trong việc ăn uống, hình thành tư duy tự lập từ bé.
  • Bé chủ động ăn bốc, cầm nắm và làm quen với đồ ăn và ăn theo nhu cầu.
  • Bé có thể cùng tham gia vào bữa ăn của gia đình.
  • Bữa ăn sẽ tương đối vui vẻ trong mắt bé.
  • Cha mẹ dễ dàng quan sát và định hình thói quen ăn uống của con sau này.
trẻ thích thú với bữa ăn gia đình

Nhược điểm

Khi tập cho bé ăn dặm theo phương pháp này bạn sẽ phải đối mặt với các hạn chế sau:

  • Bữa ăn của bé sẽ tương đối bừa bộn. Mẹ sẽ cần dọn dẹp và vệ sinh tương đối nhiều sau khi bé ăn xong.
  • Không phù hợp khi ăn cháo, bột hoặc các đồ ăn dạng lỏng.
  • Thời gian mỗi bữa ăn thường kéo dài hơn so với các phương pháp khác.
  • Đòi hỏi cha mẹ phải kiên nhẫn khi cho bé ăn.
  • Bé sẽ ăn ít nên đôi khi mẹ phải tăng số lượng bữa hoặc sử dụng các đồ ăn hỗ trợ khác.

Kết luận

Trên đây là những dấu hiệu cho thấy trẻ sẵn sàng ăn dặm và kiến thức cơ bản mẹ cần biết để tập ăn dặm cho con. Cho bé ăn dặm là một trong những giai đoạn vất vả nhưng cũng nhiều niềm vui của mẹ. Chúc mẹ có những giây phút vui vẻ bên con.

Nguồn tham khảo: Medlatec, Hellobacsi

Chia sẻ bài viết này

Picture of Tran Thuy Duyen
Tran Thuy Duyen
Duyên là một Integrative Nutrition Health Coach được công nhận bởi Institute of Integrative Nutrition (IIN - Hoa Kỳ). Duyên yêu thích việc học hỏi và áp dụng các kiến thức đã học được vào cuộc sống của mình. Sở thích là viết lách, chia sẻ, đọc sách và du lịch.

Bạn thấy bài viết này giá trị, hãy tặng mình 1 ly cafe nhé!

Bài viết liên quan

Lưu ý: Một số đường link trong bài viết này có thể là link tiếp thị liên kết. Khi bạn mua hàng qua các đường link này, người bán sẽ trả chúng tôi một phần nhỏ hoa hồng và không phát sinh thêm chi phí nào cho bạn. Đó cũng là cách để bạn ủng hộ chúng tôi trong việc cung cấp các thông tin chất lượng và miễn phí. Xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ của bạn.

Bạn có thể tham khảo chi tiết Chính sách riêng tư tại đây.

Mục lục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: