“Lò vi sóng có hại cho sức khỏe không?” là câu hỏi được nhiều người dùng thiết bị này quan tâm. Lò vi sóng có thể gây hại cho sức khỏe nếu thiết bị kém chất lượng hoặc bị dùng sai cách. 5 tác hại của lò vi sóng được liệt kê dưới đây:
- Rò rỉ sóng vi sóng
- Hình thành hợp chất độc hại
- Gây ngộ độc thực phẩm do nhiệt độ nấu không đều
- Gây cháy nổ nếu sử dụng sai cách
- Gây bỏng nếu chạm vào bề mặt hoặc thực phẩm nóng
Các biện pháp chủ yếu để giảm bớt tác động xấu của lò vi sóng là đứng xa lò vi sóng đang hoạt động, kiểm tra nhiệt độ thực phẩm được nấu trong lò trước khi ăn, chỉ sử dụng các vật liệu được phép dùng trong lò vi sóng, dùng và vệ sinh thiết bị đúng cách.
Khi được sử dụng đúng, lò vi sóng là một thiết bị nhà bếp an toàn. Nấu bằng lò vi sóng là phương pháp nấu nướng giữ được nhiều chất dinh dưỡng trong thực phẩm nhất (theo Healthline).
Mục lục
Toggle1. Rò rỉ sóng vi sóng
Sóng vi sóng (microwave, sóng vi ba) là một dạng bức xạ điện từ có bước sóng từ 1 mm đến 1 mét. Sóng vi sóng không thể nhìn thấy bằng mắt thường và được sử dụng trong lò vi sóng để làm nóng thức ăn bằng cách kích thích các phân tử nước trong thực phẩm, làm cho chúng dao động và tạo ra nhiệt.
Rò rỉ sóng vi sóng có thể xảy ra do cửa lò không đóng kín, hỏng hóc ở các bộ phận che chắn sóng, hoặc sử dụng lò vi sóng đã cũ và bị hư hỏng.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), lượng vi sóng bị rò rỉ có thể gây hại cho sức khỏe, chỉ khi cơ thể người tiếp xúc trực tiếp và lâu dài với vi sóng. Năng lượng vi sóng có thể được cơ thể hấp thụ và tạo ra nhiệt ở các mô tiếp xúc. Các cơ quan có nguồn cung cấp máu và kiểm soát nhiệt độ kém (như mắt) hoặc mô nhạy cảm với nhiệt độ (như tinh hoàn), có nguy cơ bị tổn thương do nhiệt cao hơn. Tuy nhiên, hư hỏng mô do nhiệt chỉ xảy ra khi tiếp xúc với mức năng lượng rất cao trong thời gian dài. Việc này khó xảy ra khi dùng lò vi sóng do thời gian sử dụng ngắn và thiết kế khoang lò vi sóng bằng kim loại sẽ ngăn fvi sóng thoát ra ngoài. Sóng vi ba chỉ tạo ra khi lò vi sóng vận hành và được hấp thụ toàn bộ bởi thức ăn trong lò.
Đứng hoặc ngồi gần lò vi sóng có hại không?
Không, việc đứng hoặc ngồi gần lò vi sóng không gây hại đáng kể nếu lò vi sóng hoạt động bình thường và không bị rò rỉ, theo WHO.
Lò vi sóng có gây ung thư không?
Theo WebMD, hiện nay không có bằng chứng khoa học nào chứng minh rằng lò vi sóng gây ung thư. Bức xạ vi sóng là bức xạ không ion hóa, không làm cho thực phẩm của bạn bị nhiễm phóng xạ. Vi sóng chỉ làm nóng thức ăn của bạn.
Lò vi sóng có hại cho bà bầu không?
Không, lò vi sóng không gây hại cho bà bầu nếu được sử dụng đúng cách và không bị rò rỉ sóng vi sóng.
2. Hình thành hợp chất độc hại
Lò vi sóng có thể tạo ra hợp chất độc hại nếu bạn sử dụng vật liệu nhựa trong lò vi sóng (trừ loại nhựa được dán nhãn an toàn trong lò vi sóng). Nhiều loại nhựa chứa các hợp chất gây hại cho sức khỏe, đặc biệt là bisphenol-A (BPA). Nghiên cứu của Đại học Massachusetts-Amherst và nghiên cứu của Angel Nadal cho thấy BPA có liên quan đến tình trạng ung thư, rối loạn tuyến giáp và béo phì.
Dùng lò vi sóng đúng cách không sinh ra hợp chất độc hại vì lò vi sóng không làm thức ăn nóng lên nhiều như các phương pháp nấu khác. Thông thường, nhiệt độ trong lò vi sóng không vượt quá 100°C (nhiệt độ sôi của nước). Theo Healthlline, lò vi sóng thậm chí còn làm giảm sự hình thành các hợp chất có hại trong một số loại thực phẩm. Nghiên cứu của Lorenz, K. (Đại học bang Colorado) và Decareau, R. V. (Trung tâm Phát triển Natick của Quân đội Hoa Kỳ) cho thấy bức xạ vi sóng không đủ mạnh để phá vỡ các liên kết hóa học gây ra sự hình thành các gốc tự do nguy hiểm cho sức khỏe con người.
3. Gây ngộ độc thực phẩm do nhiệt độ nấu không đều
Lò vi sóng có thể gây ngộ độc thực phẩm nếu thức ăn không được nấu chín đều. Tốc độ làm nóng trong lò vi sóng phụ thuộc vào công suất của lò, hàm lượng nước, mật độ và lượng thức ăn được làm nóng. Năng lượng vi sóng không thâm nhập tốt vào những phần thức ăn dày khiến thức ăn chín không đều. Thực phẩm chưa chín hoàn toàn không tiêu diệt được vi khuẩn như Salmonella hoặc E. coli, từ đó gây ngộ độc cho người ăn.
4. Gây cháy nổ nếu sử dụng sai cách
Sử dụng lò vi sóng sai cách như đặt vật kim loại vào lò vi sóng hoặc hâm nóng thực phẩm trong thời gian quá dài có thể dẫn đến cháy nổ. Việc này không chỉ gây hư hỏng lò vi sóng mà còn có thể gây cháy nhà và gây nguy hiểm cho người sử dụng .
5. Gây bỏng nếu chạm vào bề mặt hoặc thực phẩm nóng
Lò vi sóng có thể gây bỏng nếu bạn chạm vào thực phẩm vừa được hâm nóng. Nhiệt độ của thực phẩm sau khi được hâm nóng trong lò vi sóng có thể lên đến 100℃, đủ để gây bỏng nặng nếu không cẩn thận.
Các thực phẩm chứa nhiều nước có thể sôi trong lò vi sóng. Nước sôi trên bếp sẽ thoát hơi nóng ra môi trường xung quanh. Tuy nhiên, nước sôi trong lò vi sóng không thoát được hơi nước ra bên ngoài trong quá trình sôi. Vì thế, khi mở cửa lò vi sóng đột ngột, hơi nước nóng có thể gây bỏng.
Làm thế nào để hạn chế tác hại của lò vi sóng?
Dưới đây là các cánh để giảm thiểu tác hại của lò vi sóng:
- Không áp mặt vào cửa sổ và giữ đầu cách xa lò vi sóng ít nhất 30 cm, vì bức xạ giảm theo khoảng cách. Ví dụ, đứng cách lò vi sóng 50 cm chỉ nhận 1% mức phơi nhiễm vi sóng so với đứng cách xa lò 5 cm.
- Chỉ sử dụng các vật liệu được thiết kế để sử dụng trong lò vi sóng. Không đặt vật kim loại vào lò vi sóng.
- Để thực phẩm được hâm nóng trong lò vi sóng vài phút sau khi lò tắt để nhiệt phân bổ đều khắp thực phẩm, giảm nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Kiểm tra nhiệt độ thực phẩm để đảm bảo thực phẩm được nấu chín đều trước khi ăn.
- Sử dụng lò vi sóng an toàn theo đúng hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.
- Kiểm tra định kỳ và thay thế các bộ phận bị hỏng.
- Làm sạch lò vi sóng thường xuyên để ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn và mùi hôi.
Dùng lò vi sóng có an toàn không?
Có, nếu được sử dụng đúng cách, lò vi sóng là thiết bị an toàn và tiện lợi. Tuy nhiên, bạn cần tuân thủ các hướng dẫn sử dụng và bảo dưỡng thiết bị định kỳ để đảm bảo an toàn tuyệt đối. Hãy chọn mua các sản phẩm lò vi sóng chất lượng để hạn chế sự rò rỉ vi sóng và đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng thiết bị.
Lò vi sóng có gây mất chất dinh dưỡng không?
Lò vi sóng không làm mất chất dinh dưỡng. Ngược lại, lò vi sóng giữ được nhiều chất dinh dưỡng trong thực phẩm hơn các phương pháp chế biến khác. Mọi hình thức nấu nướng đều làm hao hụt dinh dưỡng do nhiệt độ và thời gian nấu. Các chất dinh dưỡng hòa tan trong nước sẽ giảm đi khi thực phẩm bị đun sôi. Lò vi sóng nấu ở nhiệt độ thấp, thời gian ngắn và hầu như không đun sôi thực phẩm. Do đó, nấu bằng lò vi sóng giữ được nhiều chất dinh dưỡng hơn hấp, luộc.
Ngoài ra, nhờ nấu ăn ở nhiệt độ thấp mà lò vi sóng hạn chế sự sinh ra của acrylamide – hợp chất gây ung thư được tạo thành khi nấu thực phẩm ở nhiệt độ cao. Acrylamide thường được sinh ra khi chiên nướng thực phẩm.