So sánh máy ép chậm và máy ép nhanh: Mua loại nào tốt?

khác biệt giữa máy ép chậm và máy ép ly tâm

Máy ép chậm là thiết bị dùng động cơ giảm tốc làm quay trục ép với tốc độ chỉ từ 30 – 90 vòng/phút, từ đó nghiền ép rau củ quả và tách nước ra khỏi bã. Máy ép nhanh (hay còn gọi là máy ép trái cây ly tâm, máy ép thường) là sản phẩm dùng tốc độ quay nhanh, có thể lên đến 2500 vòng/phút để văng mạnh nguyên liệu, khiến nước trong nguyên liệu bị tách khỏi phần xơ. Cả máy ép chậm và máy ép nhanh đều là thiết bị chăm sóc sức khỏe hữu ích.

So sánh giữa máy ép tốc độ chậm và máy ép nhanh được trình bày trong bảng sau:

Tiêu chí

Máy ép chậm

Máy ép nhanh

Giống nhau

Đều có công dụng làm ra nước ép từ rau củ, trái cây

Khác nhau

Chất và lượng nước ép

Tạo ra nhiều nước ép hơnNước ép ngon, không bị phân lớp

Tạo ra ít nước ép hơnNước ép không ngon bằng máy ép chậm, dễ bị tách lớp

Công dụng

Có thể làm được nước ép, kem trái cây đông lạnh, sữa hạt, đậu hũ, nước cốt dừa.

Chỉ làm được nước ép

Giá cả

Cao

Thấp

Cấu tạo

Phức tạp hơn

Đơn giản hơn

Nguyên lý hoạt động

Ép giảm tốc

Ép ly tâm

Tốc độ quay

Chậm

Nhanh

Tiếng ồn

Thấp

Cao

Bạn nên mua máy ép rau củ quả vì thiết bị này hỗ trợ chăm sóc sức khỏe và rất tiện lợi. Nên mua máy ép trái cây chậm hay nhanh tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng chi trả của mỗi người. Máy ép tốc độ chậm là sản phẩm được nhiều người dùng ưa chuộng hơn ở thời điểm hiện tại, vì chất lượng nước ép ngon hơn, đa năng và tiện dụng hơn. Tuy nhiên, nếu bạn có kinh tế eo hẹp, bạn nên mua máy ép ly tâm hoặc máy ép chậm phân khúc giá rẻ.

Điểm giống nhau giữa máy ép chậm và máy ép ly tâm

Máy ép chậm và máy ép ly tâm giống nhau ở chỗ đều có khả năng tách riêng phần nước và bã của trái cây, rau củ. Cả hai loại máy ép đều tạo ra thành phẩm là nước ép chứa nhiều vitamin, khoáng chất, hợp chất thực vật,…giúp bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể.

nước ép rau củ quả

Máy ép chậm khác gì máy ép thường?

Sự khác nhau giữa máy ép thường và máy ép chậm được liệt kê dưới đây:

  1. Máy ép tốc độ chậm tạo ra lượng nước ép nhiều hơn và chất lượng ngon hơn máy ép nhanh.
  2. Máy ép chậm làm được nhiều món hơn máy ép thường.
  3. Máy ép thường có giá rẻ hơn máy ép chậm
  4. Máy ép trái cây chậm và nhanh có cấu tạo khác nhau.
  5. Nguyên lý hoạt động của máy ép trái cây chậm khác với máy ép nhanh.
  6. Tốc độ quay của máy ép trái cây ly tâm nhanh hơn nhiều so với máy ép chậm.
  7. Máy ép tốc độ chậm hoạt động êm ái hơn máy ép nhanh

Điểm khác biệt giữa hai loại máy ép trái cây sẽ được phân tích chi tiết trong phần tiếp theo của bài viết.

Chất lượng và lượng nước ép thu được

Máy ép tốc độ chậm được cho là thu được nhiều nước ép và có chất lượng ngon hơn so với máy ép nhanh. Điều này có đúng không? Thực tế đã có một số nghiên cứu khoa học về vấn đề này và dưới đây là kết quả thu được:

  • Nghiên cứu khoa học “Đánh giá chất lượng nước ép cà chua tươi được chế biến bằng máy ép ly tâm tốc độ cao và máy ép chậm gia đình” của Khoa Khoa học Thực phẩm và Đời sống, Đại học Inje, Hàn Quốc cho thấy máy ép chậm tạo ra nhiều nước ép hơn máy ép nhanh. Nước ép thành phẩm từ máy ép chậm cũng chứa nhiều chất xơ hòa tan, polyphenols, vitamin C, lycopene và có hoạt động chống oxy hóa cao hơn. Nước ép làm bằng máy ép chậm có độ đồng nhất cao, trong khi nước ép làm bằng máy ép nhanh tách thành từng lớp có bong bóng. Tóm lại, máy ép trái cây chậm làm ra nước ép có chất lượng tốt hơn và có hương vị ngon hơn.
  • Một nghiên cứu khác so sánh giữa hai loại máy ép (Cold Pressed vs. Centrifugal Juice: Comparison in Terms of the Juice Yield, Physicochemical and Phytochemical Properties) được tiến hành bởi Khoa Kỹ thuật Thực phẩm, Viện Công nghệ Izmir, Izmir, Thổ Nhĩ Kỳ, thí nghiệm trên hỗn hợp từ dứa, táo xanh và kiwi. Nghiên cứu cho thấy máy ép chậm tạo ra lượng nước ép nhiều hơn đáng kể so với máy ép ly tâm, ví dụ tỷ lệ nước ép dứa thu được lần lượt là 92% và 47%. Về chất lượng, nước ép chậm có độ đục cao hơn, ít hóa nâu hơn nhưng hoạt tính chống oxy hóa và hàm lượng polyphenol lại tương tự như nước ép làm bằng máy ép ly tâm.
  • Nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đơn vị nghiên cứu cây trồng phân tử, Đại học Chulalongkorn, Thái Lan (Effect of cold-pressed and normal centrifugal juicing on quality attributes of fresh juices: do cold-pressed juices harbor a superior nutritional quality and antioxidant capacity?) cũng cho kết quả tương tự. Theo nghiên cứu này, không tìm thấy sự khác biệt đáng kể nào về lượng hợp chất hoạt tính sinh học hoặc khả năng chống oxy hóa của nước ép làm bằng máy ép chậm và máy ép nhanh.

Như vậy, lượng nước ép thu được bằng máy ép chậm nhiều hơn máy ép ly tâm. Tuy nhiên, chưa thể kết luận chắc chắn rằng máy ép chậm làm ra nước ép chứa nhiều dinh dưỡng hơn máy ép nhanh.

So sánh chất và lượng nước ép từ 2 loại máy ép trái cây

Các món làm được từ máy ép

Máy ép tốc độ chậm đa năng hơn máy ép thông thường. Máy ép chậm có thể làm được nước ép (juice), sinh tố (smoothies), kem trái cây đông lạnh (sorbet) nhờ sử dụng các bộ lọc khác nhau. Ngoài ra, máy ép trái cây chậm còn có thể làm sữa hạt, đậu hũ, nước cốt dừa. Trong khi đó, chiếc máy ép tốc độ nhanh chỉ có thể làm được nước ép từ rau củ quả.

Tóm lại, máy ép tốc độ chậm là một sản phẩm mang lại nhiều lợi ích chăm sóc sức khỏe hơn máy ép nhanh thông thường.

Giá cả

Máy ép ly tâm có giá thành rẻ hơn nhiều so với máy ép chậm. Máy ép ly tâm có giá khoảng 1.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng, trong đó mức giá phổ biến cho một sản phẩm tốt là 1.000.000 đồng. Máy ép tốc độ chậm có giá từ 1.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, trong đó mức giá hợp lý cho một chiếc máy ép chậm gia đình tốt là từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

Cấu tạo

Máy ép chậm bao gồm các thành phần cấu tạo là: động cơ giảm tốc trong thân máy, khoang chứa nước ép, lưới lọc (bộ lọc), trục ép, ống tiếp nguyên liệu, dụng cụ nhồi, cốc đựng nước ép và cốc đựng bã. Một số dòng máy ép chậm còn trang bị thêm thanh gạt bã bằng silicon.

Máy ép ly tâm được cấu tạo bởi các bộ phận: hộp chứa nguyên liệu, trục chính (tạo ra lực ly tâm), lưới lọc, cốc đựng nước ép.

Cấu tạo của máy ép chậm và máy ép ly tâm

Nguyên lý hoạt động

Nguyên lý hoạt động của máy ép chậm dựa trên tốc độ quay chậm của trục ép (trục vít) để vắt phần nước có trong nguyên liệu ép ra khỏi phần bã. Trong khi đó, máy ép ly tâm hoạt động dựa trên nguyên lý của lực ly tâm. Nhờ động cơ khỏe, máy ép nhanh tạo ra tốc độ quay cực nhanh. Khi đó lực ly tâm sẽ khiến nguyên liệu ép bị văng ra xa, đập vào thành máy và tách nước ra khỏi phần xơ.

Tốc độ quay

Tốc độ quay là thông số kỹ thuật quan trọng của máy ép, thể hiện khả năng của động cơ và được đo bằng đơn vị vòng/phút. Tốc độ quay của trục ép máy ép chậm là từ 30 đến 90 vòng/phút, trong khi trục chính của máy ép ly tâm quay với tốc độ lên đến 2.500 vòng/phút.

Do tốc độ quay khác nhau nên công suất của máy ép nhanh cũng lớn hơn nhiều so với máy ép chậm. Máy ép nhanh thường có mức công suất 300W – 1200W, trong khi công suất của máy ép chậm là 100W – 400W.

Tiếng ồn

Tiếng ồn của máy ép sinh ra do hoạt động của động cơ, được đo bằng đơn vị decibel (dB). Chỉ số này càng cao nghĩa là tiếng ồn do máy sinh ra càng lớn. Máy ép chậm hoạt động êm ái hơn nhiều so với máy ép tốc độ cao, do tốc độ quay của trục và công suất máy khác nhau. Độ ồn của máy ép chậm tối đa khoảng 60dB (tương đương tiếng gõ bàn phím hay tiếng nói chuyện thông thường). Máy ép nhanh có thể tạo ra tiếng ồn 70db (tương đương văn phòng ồn ào hay siêu thị) hoặc cao hơn.

So sánh tiếng ồn của máy ép chậm và máy ép nhanh

Có nên mua máy ép hoa quả không?

Bạn nên mua máy ép hoa quả để hỗ trợ cho việc chăm sóc sức khỏe gia đình, vì nước ép trái cây có nhiều lợi ích cho sức khỏe, sử dụng máy ép giúp tiết kiệm thời gian và công sức. Đặc biệt, bạn có thể làm các món ăn khác bằng máy ép chậm, giúp đa dạng bữa ăn gia đình, cân bằng dinh dưỡng mà lại không cần mua nhiều thiết bị bếp.

Lợi ích của nước ép rau củ quả được liệt kê dưới đây để giúp bạn hiểu thêm về tác dụng của thiết bị máy ép hoa quả với việc chăm sóc sức khỏe lành mạnh:

  • Giúp bổ sung nhiều vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa và hợp chất thực vật vào chế độ ăn. Tùy thuộc vào loại rau củ quả mà bạn ép, nước ép là nguồn tuyệt vời để bổ sung vitamin A, C, K, kali, folate, canxi, sắt,…
  • Hỗ trợ giảm cân nhờ lượng calo thấp có trong nước ép (một ly nước ép 250 ml trung bình chứa 90 – 120 kcal). Tuy nhiên, cần lưu ý rằng nước ép không thể thay thế hoàn toàn bữa ăn. Giảm cân bằng việc chỉ uống nước ép sẽ dẫn đến việc thiếu hụt các chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể.
Nước ép chứa nhiều chất dinh dưỡng

Máy ép trái cây chậm loại nào tốt?

3 loại máy ép trái cây chậm tốt nhất hiện nay mà bạn nên mua là Olivo SJ200 (mức giá trung bình, đa năng và có thể ép nguyên quả), máy ép chậm cao cấp Hurom H400 (cắt nguyên liệu tự động, không kẹt bã, vệ sinh dễ dàng) và máy ép chậm trục ngang giá rẻ Venko VS30 (động cơ khỏe và không lo kẹt bã). Bài đánh giá máy ép chậm của mình sẽ giúp bạn hiểu rõ về ưu nhược điểm của 3 sản phẩm kể trên, cùng với 6 model máy ép trái cây chậm chất lượng khác mà bạn nên mua.

Máy ép nhanh loại nào tốt?

Theo mybest, các loại máy ép nhanh tốt nhất hiện nay thuộc về các thương hiệu Bluestone, Tefal, Philips, Panasonic. Do các hãng thường xuyên cập nhật và nâng cấp sản phẩm, bạn hãy tìm hiểu tại website mỗi hãng để lựa chọn được máy ép nhanh phù hợp.

Picture of Tran Thuy Duyen
Tran Thuy Duyen
Duyên là một Integrative Nutrition Health Coach được công nhận bởi Institute of Integrative Nutrition (IIN - Hoa Kỳ). Duyên yêu thích việc học hỏi và áp dụng các kiến thức đã học được vào cuộc sống của mình. Sở thích là viết lách, chia sẻ, đọc sách và du lịch.

* Một số đường link trong bài viết này có thể là link tiếp thị liên kết. Khi bạn mua hàng qua các đường link này, người bán sẽ trả cho tôi một phần nhỏ hoa hồng mà không làm phát sinh thêm chi phí nào cho bạn. Đó cũng là cách bạn ủng hộ tôi tiếp tục cung cấp thông tin chất lượng và miễn phí. Xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ của bạn.

error:
Xem mục lục