Sữa hạt là loại sữa được làm từ các loại thảo mộc như ngũ cốc, hạt đậu, hạt dinh dưỡng, các loại củ quả như cà rốt, bí đỏ, củ dền,… Bài viết này sẽ giới thiệu công thức làm sữa hạt bằng máy với 25 loại nguyên liệu chính, chi tiết loại và lượng nguyên liệu, cách ngâm hạt/sơ chế và chế độ cần chọn trên máy xay nấu đa năng. Cách mix các nguyên liệu với nhau để đa dạng hóa công thức cũng sẽ được chia sẻ. Một số sách công thức nấu sữa hạt (dạng PDF) sẽ có trong bài viết này như cẩm nang sữa hạt cho bạn tham khảo.
Nguyên liệu làm sữa hạt gồm 3 nhóm là nhóm hạt nhiều dầu, nhóm hạt nhiều tinh bột và nhóm nguyên liệu ngọt tự nhiên. Bạn có thể mix 2 nhóm hoặc cả 3 nhóm nguyên liệu này với nhau. Không kết hợp quá 3 nguyên liệu trong một công thức sữa hạt. Đa số các loại hạt đều cần ngâm trước khi nấu sữa để loại bỏ các chất ức chế tiêu hóa và làm mềm hạt, giúp nấu sữa nhanh hơn. Bảng tổng hợp thời gian ngâm của 30 loại hạt được chia sẻ ở phần sau của bài viết này.
Mỗi người lớn không nên uống quá 500 ml sữa hạt mỗi ngày. Sữa hạt nên được uống vào sáng, chiều, trước khi đi ngủ hoặc 30 phút trước tập luyện. Khi được sử dụng đúng cách, sữa hạt là thức uống bổ dưỡng cho cơ thể, giúp kiểm soát cân nặng, hỗ trợ sức khỏe tim mạch, kiểm soát đường huyết, bổ sung protein, tăng cường sức khỏe xương khớp, mắt, thần kinh,… Các đối tượng không nên sử dụng sữa hạt sẽ được chia sẻ chi tiết ở phần cuối bài viết.
Sữa hạt có thể lưu trữ tối đa 8 – 10 ngày trong tủ mát ở nhiệt độ thích hợp, hoặc có thể được trữ đông. Tuyệt đối không uống sữa hạt có các dấu hiệu bị hỏng như tách nước, sủi bọt, có mùi và màu lạ.
Mục lục
Toggle1. Sữa hạt sen
Cách làm sữa hạt sen bằng máy làm sữa hạt như sau:
- Bước 1 – Chuẩn bị nguyên liệu:
- 100 gram hạt sen tươi (đã bóc vỏ, bỏ tim sen) hoặc 100 gram hạt sen khô
- 1100 ml nước lọc
- Muối và đường phèn tùy khẩu vị.
- Bước 2 – Ngâm hạt: Hạt sen tươi không cần ngâm, hạt sen khô ngâm nước ấm 30 phút đến 1 tiếng.
- Bước 3 – Chế biến: Có 2 cách làm sữa hạt sen bằng máy như sau:
- Cách 1: Hấp chín hạt sen. Cho hạt sen đã hấp chín và nước vào cối xay và chọn “Sữa không nấu”. Sau khi máy xay xong, thêm sữa đặc hoặc đường vào và khuấy đều.
- Cách 2: Cho hạt sen sống và nước vào cối xay rồi chọn chế độ “Sữa thảo mộc” hoặc “Sữa hạt nấu chín”. Sau khi máy nấu xong, cho đường vào và chọn chức năng “Sinh tố” cho tan đường.
Dưới đây là 9 công thức làm sữa hạt sen mix ngon miệng và cách làm:
- Sữa hạt sen bí đỏ: 50 gram hạt sen hấp chín, 50 gram bí đỏ hấp chín, 1100 ml nước lọc. Chọn chức năng “Sữa không nấu”
- Sữa hạt sen đậu xanh (lá dứa): 50 gram hạt sen, 50 gram đậu xanh (ngâm 8 – 12 giờ, giữ nguyên vỏ), 1 chút muối, 1100 ml nước. Chọn chức năng “Sữa hạt nấu chín”.
- Sữa khoai lang hạt sen: 50 gram khoai lang, 50 gram hạt sen, 1100 ml nước lọc, đường và muối. Dùng chế độ “Sữa không nấu” nếu đã hấp chín khoai lang và hạt sen. Dùng chế độ “Sữa hạt nấu chín” nếu nấu khoai lang và hạt sen sống.
- Sữa hạt sen táo đỏ: 100 gram hạt sen, táo đỏ lượng tùy ý (ngâm nước ấm, bỏ vỏ), 1100 ml nước, một chút muối. Chọn chức năng “Sữa không nấu” nếu dùng hạt sen hấp chín. Dùng chế độ “Sữa hạt nấu chín” nếu dùng hạt sen sống.
- Sữa hạt sen mè đen: 50 gram hạt sen, 50 gram mè đen (ngâm 8 giờ rồi rang thơm), 800 ml nước, đường và muối tùy ý. Hạt sen hấp chín. Xay tất cả nguyên liệu bằng chế độ “Sữa hạt không nấu”.
- Sữa hạt sen óc chó: 50 gram hạt sen hấp chín, 50 gram nhân hạt óc chó (ngâm 4 giờ rồi bóc vỏ lụa), 800 ml nước, đường và muối. Dùng tính năng “Sữa hạt không nấu”.
- Sữa hạt sen lá dứa: 100 gram hạt sen làm sạch (bỏ tâm sen), 1 bó lá dứa, 1100 ml nước lọc, một chút đường và muối. Xay nhuyễn lá dứa với nước lọc bằng tính năng “Sinh tố”, sau đó lọc bỏ bã. Cho hạt sen, nước lá dứa, muối vào cối xay, chọn chế độ “Sữa hạt nấu chín”. Sau khi nấu xong, thêm đường và chọn chế độ “Sinh tố” để khuấy tan đường.
- Sữa đậu phộng hạt sen: 40 gram đậu phộng rang chín, 30 gram hạt sen hấp chín, 1 chút muối, đường (tùy khẩu vị), 800 ml nước. Chọn chức năng “Sữa không nấu”.
- Sữa hạt sen hướng dương: 30 gram hạt sen hấp chín, 40 gram nhân hạt hướng dương rang thơm, 800 ml nước, đường, muối. Dùng chế độ “Sữa không nấu”.
Hạt sen là hạt của cây sen, thường được bán ở dạng khô hoặc bán cùng đài sen để ăn sống. Cần loại bỏ tâm sen khi làm sữa hạt để sữa không bị đắng.
Theo Vinmec, uống sữa hạt sen có nhiều lợi ích cho sức khỏe như giảm viêm sưng, trị mụn trứng cá, chữa mất ngủ, chống lão hóa, giảm mỡ máu, hỗ trợ trị bệnh lẫn của người cao tuổi, bổ sung dinh dưỡng cho bà bầu,… 100 gram hạt sen cung cấp 88 calo (kcal) nên bạn có thể uống sữa hạt sen vào bữa phụ để hỗ trợ giảm cân.
2. Sữa hạt óc chó
Cách nấu thức uống sữa hạt óc chó nguyên chất với máy làm sữa hạt gồm 3 bước:
- Bước 1 – Chuẩn bị nguyên liệu:
- 100 gram nhân hạt óc chó
- 1100 ml nước lọc
- Đường phèn, muối tùy khẩu vị.
- Bước 2 – Ngâm hạt: Nhân hạt óc chó ngâm 4 giờ rồi bóc vỏ lụa để loại bỏ vị chát.
- Bước 3 – Chế biến: Cho các nguyên liệu làm sữa hạt óc chó vào cối xay. Chọn chức năng “Sữa hạt không nấu” hoặc chức năng “Sữa hạt nấu chín”. Thêm đường vào cối xay cuối cùng nếu sử dụng chức năng “Sữa hạt nấu chín”.
4 công thức làm sữa hạt óc chó ngon và bổ dưỡng được liệt kê dưới đây:
- Sữa hạt óc chó hạnh nhân: 50 gram hạnh nhân (ngâm 8 – 12 giờ, bóc vỏ lụa), 50 gram nhân hạt óc chó (ngâm 4 giờ, bóc vỏ), 800 ml nước lọc, đường và muối. Chọn chức năng “Sữa hạt nấu chín” hay “Sữa hạt không nấu’ đều được.
- Sữa óc chó khoai lang: 60 gram hạt óc chó (ngâm 4 giờ, bóc vỏ lụa), 40 gram khoai lang bỏ vỏ, cắt miếng nhỏ, 1100 ml nước, đường muối tùy ý. Dùng chức năng “Sữa thảo mộc/Sữa hạt nấu chín” nếu dùng khoai lang sống. Chọn tính năng “Sữa hạt không nấu” nếu dùng khoai lang đã hấp chín.
- Sữa hạt óc chó đậu xanh: 60 gram hạt óc chó (ngâm 4 giờ, bỏ vỏ lụa), 40 gram đậu xanh (ngâm 8 – 12 giờ, bỏ vỏ hoặc không), 1100 ml nước, muối và đường. Chọn Sữa hạt nấu chín/Sữa thảo mộc.
- Sữa óc chó mè đen: 50 gram óc chó (ngâm 4 giờ, bỏ vỏ lụa), 50 gram mè đen (ngâm 8 tiếng và rang thơm), 800 ml nước, muối và đường. Chọn tính năng “Sữa hạt không nấu”.
Óc chó (walnut) là một loại quả hạch. Nhân hạt óc chó thu được sau khi loại bỏ lớp vỏ cứng của quả óc chó.
Nhân hạt óc chó chứa nhiều axit béo omega-3 và chất chống oxy hóa nhất trong các loại hạt. Uống sữa hạt óc chó có nhiều tác dụng tốt với sức khỏe như giảm xơ vữa động mạch, giảm viêm sưng, giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư, thúc đẩy hệ tiêu hóa, hỗ trợ kiểm soát cân nặng, giảm huyết áp và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, cải thiện trí nhớ và tăng cường chất lượng tinh trùng.
1 ly sữa hạt óc chó nguyên chất (250 ml) cung cấp 164 calo (kcal). Người giảm cân chỉ nên uống 1 ly sữa hạt óc chó một ngày để tránh tăng cân do thừa calo.
3. Sữa ngô (sữa bắp)
Dưới đây là hướng dẫn cách làm sữa ngô bằng máy xay nấu sữa hạt đa năng:
- Bước 1 – Chuẩn bị nguyên liệu:
- 1,5 bắp ngô ngọt
- 900 ml nước lọc
- 200 ml sữa tươi (có đường hoặc không đường tùy khẩu vị)
- Bước 2 – Sơ chế: Bóc vỏ ngô ngọt và rửa sạch. Cắt rời hạt ngô ngọt khỏi lõi ngô. Luộc lõi ngô và râu ngô (nếu có) trong 900 ml nước lọc để lấy nước luộc.
- Bước 3 – Chế biến: Cho hạt ngô ngọt và 900 ml nước luộc lõi ngô và cối xay. Chọn chức năng “Sữa thảo mộc” hoặc “Sữa hạt nấu chín”. Sau 15 – 20 phút thì cho thêm 200 ml sữa tươi vào cối xay.
Dưới đây là cách làm 3 công thức sữa ngô mix ngon nhất:
- Sữa ngô hạt sen (bắp hạt sen): 1 bắp ngô (tách hạt, lõi ngô luộc lấy nước), 50 gram hạt sen, 1100 ml nước lọc, đường và muối tùy ý. Chọn tính năng “Sữa hạt nấu chín”.
- Sữa ngô hạt điều: 1 bắp ngô (tách hạt, lõi ngô luộc lấy nước), 50 gram hạt điều (ngâm 2 – 4 giờ), 1100 ml nước, đường và muối. Dùng chức năng “Sữa hạt nấu chín”
- Sữa bắp đậu xanh (ngô đậu xanh): 1 trái bắp nhỏ (rửa sạch, tách hạt, luộc lõi ngô lấy nước nấu sữa), 30 gram đậu xanh (ngâm 8 – 12 giờ), 1100 ml nước, đường và muối tùy khẩu vị. Sử dụng chế độ “Sữa hạt nấu chín”.
Ngô ngọt (ngô Mỹ) là một loai ngũ cốc chứa nhiều chất đạm, chất xơ, vitamin C, folate (vitamin B9), natri, kali, magie, Zeaxanthin. Làm sữa từ ngô ngọt là cách đơn giản và hấp dẫn để tiêu thụ loại ngũ cốc này. Sữa bắp ngọt giúp cải thiện sức khỏe của mắt, trí não và xương, tăng cường miễn dịch, giảm tình trạng thiếu máu, giảm cholesterol và hỗ trợ sức khỏe tim mạch.
Ngô ngọt có chỉ số đường huyết cao (GI 69). Người bị đái tháo đường hạn chế ăn ngô ngọt hoặc uống sữa ngô tương đương ½ bắp mỗi ngày và không ăn quá thường xuyên.
4. Sữa hạt Macca
Cách làm sữa hạt Macca bằng máy làm sữa hạt đa năng như sau:
- Bước 1 – Chuẩn bị nguyên liệu:
- 100 gram hạt Macca đã bỏ vỏ
- 1100 ml nước lọc
- Đường phèn, muối tùy khẩu vị.
- Bước 2 – Ngâm hạt: Nhân hạt Macca ngâm trong 2 giờ cho mềm.
- Bước 3 – Chế biến: Cho các nguyên liệu làm sữa hạt Macca vào máy làm sữa hạt. Dùng chức năng “Sữa hạt nấu chín” hoặc “Sữa hạt không nấu” đều được. Nếu nấu chín sữa hạt Macca thì cho đường vào khi gần nấu xong để tránh làm khét cối.
Dưới đây là 3 công thức làm sữa hạt Macca mix ngon và sáng tạo:
- Sữa hạt Macca đậu đen: 50 gram hạt Macca (ngâm 2 tiếng), 30 gram đậu đen (ngâm trong 8 – 12 tiếng), 1100 ml nước lọc, đường và muối. Chọn chức năng “Sữa hạt nấu chín” hoặc “Sữa thảo mộc”.
- Sữa hạt Macca hạt sen: 50 gram hạt Macca (ngâm 2 giờ), 50 gram hạt sen hấp chín, 800 ml nước, đường và muối tùy khẩu vị. Dùng chế độ “Sữa không nấu”.
- Sữa hạt Macca khoai lang: 50 gram hạt Macca (ngâm 2 giờ), 50 gram khoai lang hấp chín, 1100 ml nước, đường và muối tùy ý. Chọn chức năng “Sữa không nấu”.
Macca (tên tiếng Anh là Macadamia) là loại hạt xuất xứ từ Úc, có vỏ cứng màu nâu, nhân tròn màu trắng sữa, có vị bùi. Hạt Macca rất giàu chất béo tốt và là nguồn dồi dào mangan, đồng, thiamine, sắt, magie, vitamin B6.
Uống sữa hạt macca giúp tăng cường sức khỏe tim mạch, giảm các bệnh chuyển hóa như huyết áp cao, tiểu đường, cải thiện sức khỏe não bộ, ngăn ngừa ung thư, cải thiện hệ tiêu hóa và hỗ trợ giảm cân lành mạnh.
Sữa hạt Macca giàu năng lượng (250 ml sữa hạt Macca nguyên chất cung cấp 180 calo) nên người giảm cân không nên sử dụng quá nhiều.
5. Sữa hạnh nhân
Cách làm sữa hạnh nhân nguyên chất bằng máy làm sữa hạt gồm 3 bước sau:
- Bước 1 – Chuẩn bị nguyên liệu:
- 100 gram hạt hạnh nhân tươi
- 800 ml nước lọc
- Đường và muối tùy khẩu vị
- Bước 2 – Ngâm hạt: Hạt hạnh nhân tươi ngâm 8 – 12 tiếng đồng hồ, sau đó bóc sạch vỏ.
- Bước 3 – Chế biến: Cho tất cả các nguyên liệu kể trên vào cối xay rồi chọn chế độ “Sữa không nấu”.
3 công thức sữa hạt hạnh nhân mix thơm ngon, bổ dưỡng được liệt kê dưới đây:
- Sữa hạnh nhân yến mạch: 50 gram hạnh nhân sống (ngâm 8 – 12 giờ cho mềm và bóc vỏ nâu), 30 gram yến mạch rang thơm rồi rửa cho bớt nhớt, 1100 ml nước lọc, đường và muối. Chọn chức năng “Sữa hạt không nấu”.
- Sữa hạnh nhân khoai môn: 50 gram hạnh nhân sống (ngâm 8 – 12 giờ rồi bóc vỏ), 50 gram khoai môn gọt sạch vỏ và cắt miếng nhỏ, 1100 ml nước, đường và muối tùy khẩu vị. Chọn chế độ “Sữa hạt không nấu” nếu đã hấp chín khoai môn. Chọn chế độ “Sữa hạt nấu chín” hoặc “Sữa thảo mộc” nếu cho khoai môn sống vào cối xay nấu.
- Sữa hạnh nhân bí đỏ: 50 gram hạnh nhân sống (ngâm 8 – 12 giờ và bóc sạch vỏ), 50 gram bí đỏ gọt vỏ và cắt miếng nhỏ, 1100 ml nước, đường và muối tùy khẩu vị. Chọn chế độ “Sữa hạt không nấu” nếu đã hấp chín bí đỏ. Chọn chế độ “Sữa hạt nấu chín” hoặc “Sữa thảo mộc” nếu xay bí đỏ sống.
Hạnh nhân (almond) là một loại hạt dinh dưỡng phổ biến, rất giàu chất xơ, chất béo chưa bão hòa đơn, vitamin E, mangan, magie. Sữa hạt hạnh nhân là thức uống tốt cho cơ thể, giúp cơ thể chống oxy hóa, kiểm soát đường máu, giảm huyết áp, giảm cholesterol xấu, giúp xương chắc khỏe. 1 ly sữa hạt hạnh nhân nguyên chất (250 ml) cung cấp 144 calo (kcal) nên có thể được dùng như một bữa phụ lành mạnh của người giảm cân.
6. Sữa hạt điều
Dưới đây là công thức làm món sữa hạt điều nguyên chất bằng máy nấu sữa hạt:
- Bước 1 – Chuẩn bị nguyên liệu:
- 100 gram hạt điều tươi hoặc 100 gram hạt điều đã rang
- 1100 ml nước lọc
- Đường và muối tùy khẩu vị
- Bước 2 – Ngâm hạt: Hạt điều tươi ngâm 2 – 4 giờ, hạt điều rang không cần ngâm.
- Bước 3 – Chế biến: Có 2 cách làm sữa hạt điều bằng máy là:
- Cách 1: Cách làm sữa hạt điều đã rang là cho hạt điều rang, đường, muối và nước vào cối xay rồi chọn chế độ “Sữa không nấu”.
- Cách 2: Cho hạt điều, chút muối và nước vào cối xay rồi chọn chế độ “Sữa thảo mộc” hoặc “Sữa hạt nấu chín”. Sau khi máy nấu xong, cho đường vào và chọn chức năng “Sinh tố” cho tan đường.
7 công thức làm sữa hạt điều mix với bí đỏ, hạt sen, khoai lang, đậu xanh, hạnh nhân, mè đen và hạt óc chó, được liệt kê dưới đây:
- Sữa hạt điều bí đỏ: 50 gram hạt điều (rang hoặc tươi), 40 gram bí đỏ, 1100 ml nước, đường và muối tùy khẩu vị. Chọn chế độ “Sữa hạt không nấu” nếu đã hấp chín bí đỏ. Chọn chế độ “Sữa thảo mộc” hoặc “Sữa hạt nấu chín” nếu dùng bí đỏ sống.
- Sữa hạt điều hạt sen: 40 gram hạt điều tươi (ngâm 2 – 4 giờ), 20 gram hạt sen tươi (không ngâm), 1100 ml nước, đường và muối. Chọn chức năng Sữa thảo mộc/Sữa hạt nấu chín.
- Sữa hạt điều khoai lang: 50 gram hạt điều (ngâm 2 – 4 tiếng), 50 gram khoai lang hấp chín, 1100 ml nước, đường và muối tùy ý. Dùng chế độ “Sữa không nấu”.
- Sữa hạt điều đậu xanh: 50 gram hạt điều (ngâm trong 2 – 4 giờ), 50 gram đỗ xanh (ngâm 8 – 12 giờ, giữ nguyên vỏ), 1100 ml nước lọc, đường và muối. Sử dụng chức năng “Sữa hạt nấu chín” hoặc “Sữa thảo mộc”.
- Sữa hạt điều hạnh nhân: 50 gram hạt điều (ngâm 2 – 4 giờ), 50 gram hạnh nhân (ngâm 8 giờ, bóc vỏ), 1100 ml nước, đường và muối. Dùng chế độ “Sữa không nấu” hoặc “Sữa hạt nấu chín” đều được.
- Sữa hạt điều mè đen: 50 gram hạt điều (ngâm 2 – 4 tiếng), 50 gram mè đen (ngâm 8 tiếng rồi rang thơm), 800 ml nước, đường và muối tùy ý. Chọn chức năng “Sữa không nấu”
- Sữa hạt điều óc chó: 50 gram hạt điều rang hoặc hạt điều tươi (ngâm 2 – 4 giờ), 50 gram hạt óc chó (ngâm 4 tiếng, bỏ vỏ), 1100 ml nước lọc, muối và đường tùy khẩu vị. Chọn tính năng “Sữa hạt không nấu” hoặc “Sữa hạt nấu chín”.
Hạt điều là loại hạt dinh dưỡng được trồng nhiều ở Việt Nam. Hạt điều giàu chất đạm, chất béo tốt và các khoáng chất như đồng, mangan, magie, phốt pho, sắt, selen. Sử dụng hạt điều và sữa hạt điều giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch, cải thiện thị lực, tăng cường sức khỏe xương khớp, răng miệng và hệ thần kinh, ngăn ngừa sỏi mật và ung thư. Sữa hạt điều hỗ trợ giảm cân, nhưng bạn nên uống với lượng vừa phải, do 250 ml sữa hạt điều cung cấp 138 calo (kcal).
7. Sữa hạt dẻ (Hạt dẻ Trùng Khánh)
Dưới đây là 2 bước làm sữa hạt dẻ tại nhà bằng máy xay sữa hạt:
- Bước 1 – Chuẩn bị nguyên liệu:
- 60 gram hạt dẻ nướng chín, bỏ vỏ cứng
- 800 ml nước lọc
- Đường và muối tùy khẩu vị
- Bước 2 – Chế biến: Cho hạt dẻ, nước và đường vào cối xay rồi chọn chế độ “Sữa hạt không nấu”. Bạn có thể cho thêm hoặc bớt nước để điều chỉnh độ đặc loãng của sữa hạt dẻ.
Hạt dẻ Trùng Khánh (chestnut) là đặc sản của huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Loại hạt dẻ này có vỏ màu nâu, ruột vàng và thơm, khác biệt với hạt dẻ cười (pitaschios). Hạt dẻ có vị ngọt và được sử dụng phổ biến như một nguyên liệu nấu ăn. Hạt dẻ Trùng Khánh giàu chất bột đường, chất xơ, đồng, mangan, vitamin B6, vitamin C, và nhiều chất chống oxy hóa. Theo Healthline, hạt dẻ hỗ trợ sức khỏe tim mạch, giúp kiểm soát đường huyết, hỗ trợ tiêu hóa và giảm cân, ngừa ung thư.
Làm sữa hạt dẻ là một cách mới lạ để tiêu thụ loại hạt này. Khi làm sữa từ hạt dẻ Trùng Khánh, bạn nên luộc hoặc nướng chín hạt để dễ bóc vỏ và hạt dậy mùi thơm. Bạn có thể gọt vỏ hạt dẻ và nấu sữa từ hạt dẻ sống bằng chế độ “Sữa hạt nấu chín”.
8. Sữa gạo lứt
Cách làm sữa hạt gạo lứt bằng máy xay nấu sữa hạt gồm 3 bước sau:
- Bước 1 – Chuẩn bị nguyên liệu:
- 80 gram gạo lứt
- 1100 ml nước lọc
- Đường và muối tùy khẩu vị
- Bước 2 – Ngâm hạt: Ngâm gạo lứt trong 9 tiếng, sau đó rửa sạch và rang thơm hạt.
- Bước 3 – Chế biến: Cho các nguyên liệu (trừ đường) vào cối xay rồi chọn chế độ “Sữa thảo mộc” hoặc “Sữa hạt nấu chín”. Sau khi máy nấu xong, cho đường vào và chọn chức năng “Sinh tố” cho tan đường.
Dưới đây là 2 công thức mix sữa hạt gạo lứt ngon và cách làm:
- Sữa gạo lứt hạt sen: 50 gram gạo lứt (ngâm 9 tiếng và rang thơm), 50 gram hạt sen tươi, 1100 ml nước, đường và muối. Dùng chức năng Sữa thảo mộc hoặc Sữa hạt nấu chín.
- Sữa gạo lứt hạt điều: 50 gram gạo lứt (ngâm trong 9 giờ rồi rang thơm), 50 gram hạt điều (ngâm 2 – 4 giờ), 1100 ml nước lọc, đường và muối tùy ý. Nấu bằng chế độ “Sữa hạt nấu chín”.
Gạo lứt là loại ngũ cốc nguyên hạt giữ được nhiều chất xơ và các chất dinh dưỡng như đạm, vitamin nhóm B, hợp chất chống oxy hóa,… so với gạo đã qua xay sát.
Uống sữa gạo lứt giúp tăng cường sức khỏe xương khớp, cải thiện tình trạng bệnh tiểu đường, huyết áp cao và hỗ trợ giảm cân lành mạnh. Sữa gạo lứt là thức uống không chứa gluten cho những người bị dị ứng chất này.
9. Sữa hạt mít
Sau đây là công thức và cách làm sữa hạt mít bằng máy nấu sữa hạt:
- Bước 1 – Chuẩn bị nguyên liệu:
- 100 gram hạt mít tươi
- 1100 ml nước lọc
- Đường và muối tùy khẩu vị
- Bước 2 – Sơ chế hạt mít: Luộc hạt mít 20 – 30 phút đến khi chín mềm. Bóc sạch lớp vỏ trắng của hạt mít. Lớp vỏ nâu không cần bóc.
- Bước 3 – Nấu sữa: Cho hạt mít, nước và một chút muối vào cối xay rồi chọn chế độ “Sữa hạt nấu chín”. Cho đường vào cối khi máy đã nấu xong, chọn chức năng “Sinh tố” cho tan đường.
Bạn có thể kết hợp hạt mít với hạt điều, hạt bí xanh, mè,… để làm ra các món sữa hạt mít ngon và lạ miệng.
Hạt mít chứa nhiều chất chống oxy hóa như riboflavin và thiamine, có tác dụng kháng khuẩn, giúp giảm cholesterol, ngừa bệnh ung thư. Tuy nhiên, hạt mít chứa chất kháng dinh dưỡng như tanin và chất ức chế trypsin. Vì thế, không nên tiêu thụ quá nhiều hạt mít và sữa hạt mít. Người đang dùng thuốc aspirin, thuốc chống đông máu, thuốc chống kết tập tiểu cầu và thuốc kháng viêm không steroid không nên uống sữa hạt mít vì sẽ gây tương tác thuốc (theo Hellobacsi).
10. Sữa đậu đỏ
Cách làm sữa đậu đỏ nguyên chất bằng máy làm sữa hạt được hướng dẫn dưới đây:
- Bước 1 – Chuẩn bị nguyên liệu:
- 100 gram đậu đỏ
- 1100 ml nước lọc
- Đường và muối tùy khẩu vị
- Bước 2 – Ngâm hạt: Ngâm hạt đậu đỏ trong 8 – 12 giờ, sau đó rửa sạch.
- Bước 3 – Chế biến: Cho các nguyên liệu (trừ đường) vào cối xay. Dùng chức năng “Sữa hạt nấu chín”. Cho đường vào sữa hạt đậu đỏ sau khi máy hoàn thành chu trình nấu, dùng chức năng “Sinh tố” để làm tan đường.
2 công thức mix sữa đậu đỏ mà bạn có thể tham khảo là:
- Sữa đậu đỏ hạt sen: 60 gram đậu đỏ (ngâm 8 – 12 tiếng), 40 gram hạt sen tươi (không ngâm), 1100 ml nước, một chút muối. Chọn Sữa hạt nấu chín/Sữa thảo mộc.
- Sữa đậu đỏ mè đen: 60 gram đậu đỏ (ngâm 8 – 12 giờ), 30 gram mè đen rang thơm, 1100 ml nước lọc, một chút đường và muối. Chọn chức năng “Sữa thảo mộc/Sữa hạt nấu chín”.
Đậu đỏ (Adzuki bean) là loại hạt có hàm lượng dinh dưỡng cao, đặc biệt cứa nhiều protein và các khoáng chất như mangan, phốt pho, kali, đồng, magie, kẽm, sắt. Bổ sung sữa hạt đậu đỏ vào chế độ ăn giúp da sáng mịn, cải thiện miễn dịch, hỗ trợ kiểm soát đường huyết, huyết áp và cải thiện tình trạng bệnh tim mạch. Sữa hạt đậu đỏ chứa nhiều đạm nên thích hợp với người tập luyện, giúp tăng cơ giảm mỡ.
11. Sữa yến mạch
Dưới đây là cách làm sữa yến mạch đơn giản bằng máy làm sữa hạt:
- Bước 1 – Chuẩn bị nguyên liệu:
- 80 gram yến mạch rang thơm rồi rửa qua bằng nước sạch cho bớt nhớt.
- 800 ml nước lọc
- Đường và muối tùy khẩu vị
- Bột quế (tùy ý)
- Bước 2 – Chế biến: Cho các nguyên liệu vào cối xay rồi chọn chức năng “Sữa hạt không nấu”.
Sau đây là 3 công thức kết hợp sữa yến mạch với các nguyên liệu khác:
- Sữa yến mạch hạt điều: 30 gram yến mạch (rang thơm rồi rửa qua bằng nước), 50 gram hạt điều (ngâm 2 – 4 giờ), 800 ml nước lọc, đường và muối. Sử dụng chế độ “Sữa không nấu”.
- Sữa yến mạch hạt sen: 30 gram yến mạch (rang thơm, rửa sạch), 50 gram hạt sen hấp chín, 800 ml nước lọc, đường và muối tùy khẩu vị. Dùng chức năng “Sữa hạt không nấu”. Bạn dùng 1100 ml nước nếu nấu sữa yến mạch hạt sen bằng chế độ “Sữa hạt nấu chín”, do yến mạch nở ra khi nấu.
- Sữa yến mạch óc chó: 30 gram yến mạch (rang thơm rồi rửa bằng nước), 50 gram hạt óc chó (ngâm 4 giờ rồi bóc vỏ lụa), 800 ml nước lọc, đường và muối. Xay bằng chế độ “Sữa không nấu”.
Yến mạch là một loại ngũ cốc nguyên hạt giàu chất xơ, được những người theo chế độ ăn uống lành mạnh yêu thích. Yến mạch giúp giảm cholesterol, hỗ trợ kiểm soát đường huyết và tốt cho người bị ung thư dạ dày.
Yến mạch giàu chất bột đường nên sữa yến mạch sẽ có dạng sánh đặc. Bạn có thể điều chỉnh giảm lượng yến mạch nếu muốn uống sữa hạt loãng hơn. Không nên uống quá nhiều sữa yến mạch do hàm lượng chất xơ cao có thể khiến bạn đầy bụng.
12. Sữa hạt đậu xanh
Dưới đây là 3 bước làm sữa đậu xanh với máy xay nấu sữa hạt tiện lợi:
- Bước 1 – Chuẩn bị nguyên liệu:
- 100 gram đậu xanh
- 1100 ml nước lọc
- Đường và muối tùy khẩu vị
- Bước 2 – Ngâm hạt: Ngâm hạt đậu xanh 8 – 12 giờ, sau đó rửa sạch và giữ nguyên vỏ xanh.
- Bước 3 – Chế biến: Cho đậu xanh, nước, muối vào cối xay và chọn chức năng “Sữa hạt nấu chín”. Cho đường vào sữa đậu xanh khi máy đã nấu xong, dùng chế độ “Xay/Sinh tố” để khuấy đều đường. Bạn có thể dùng chức năng “Sữa hạt nấu chậm” (nấu 35 phút) nếu cảm thấy sữa đậu xanh còn vị ngái.
Sau đây là 2 công thức sữa đậu xanh mix từ những nguyên liệu dễ kiếm:
- Sữa khoai lang đậu xanh: 30 gram khoai lang (rửa sạch, bỏ vỏ, cắt miếng nhỏ), 50 gram đậu xanh (ngâm 8 – 12 giờ, không xát vỏ), 1100 ml nước, muối. Dùng chế độ “Sữa thảo mộc” hoặc “Sữa hạt nấu chín”.
- Sữa đậu xanh hạt sen: 50 gram đậu xanh (ngâm 8 – 12 giờ), 50 gram hạt sen, 1100 ml nước lọc, đường và muối tùy khẩu vị. Chọn chức năng Sữa thảo mộc hoặc Sữa hạt nấu chín. Đường cho vào cối xay cuối cùng và dùng chế độ Sinh tố để khuấy đều.
Đậu xanh (mung bean) là loại ngũ cốc họ đậu phổ biến tại Việt Nam. Đậu xanh nổi bật với chức năng thanh nhiệt, giải độc, trong đó lớp vỏ xanh bên ngoài hạt đậu là thành phần giải độc chính. Vì thế, khi làm sữa hạt đậu xanh, bạn nên giữ nguyên lớp vỏ hạt.
Uống sữa đậu xanh giúp da trắng sáng và cung cấp nguồn folate (vitamin B9) dồi dào cho phụ nữ mang thai. Ngoài ra, sữa đậu xanh giúp cải thiện thị lực, tăng cường sức khỏe xương khớp, hỗ trợ điều trị chứng trầm cảm, và ngăn ngừa các bệnh chuyển hóa.
13. Sữa hạt đậu đen
Cách nấu sữa hạt đậu đen bằng máy làm sữa hạt tương tự như làm sữa hạt đậu xanh, đậu đỏ. Cụ thể:
- Bước 1 – Chuẩn bị nguyên liệu:
- 100 gram đậu đen
- 1100 ml nước lọc
- Đường và muối tùy khẩu vị
- Bước 2 – Ngâm hạt: Ngâm đỗ đen 8 – 12 giờ, vớt bỏ hạt lép, hạt hỏng.
- Bước 3 – Chế biến: Cho các nguyên liệu (ngoại trừ đường) vào máy nấu sữa hạt và chọn chức năng “Sữa hạt nấu chậm” (nấu 35 phút). Sữa đậu đen có vị hơi ngái nên cần nấu lâu hơn sữa hạt thông thường. Nêm đường theo khẩu vị sau khi máy hoàn thành chu trình nấu.
2 công thức mix sữa hạt đậu đen ngon và giàu dinh dưỡng là:
- Sữa đậu đen hạt sen: 50 gram đậu đen (ngâm 8 – 12 giờ), 30 gram hạt sen tươi không ngâm, 1100 ml nước, một chút đường và muối. Dùng chế độ “Sữa thảo mộc/Sữa hạt nấu chín”.
- Sữa đậu đen hạt điều: 30 gram đậu đen (ngâm 8 – 12 tiếng), 50 gram hạt điều (ngâm 2 – 4 tiếng), 1100 ml nước, đường và muối tùy ý. Dùng chức năng “Sữa thảo mộc/Sữa hạt nấu chín”.
Đậu đen (đỗ đen) là loại hạt họ đậu chứa rất nhiều protein và chất xơ. Vì thế sữa đậu đen là thức uống thích hợp cho người cần tăng cơ, giảm mỡ, người tập luyện thể thao. Một số lợi ích khác của sữa hạt đỗ đen là ngừa ung thư, ngăn ngừa và cải thiện tình trạng bệnh chuyển hóa như tim mạch, tiểu đường, huyết áp.
Đậu đen nói riêng và các loại đậu nói chung có chứa loại đường phức khó tiêu hóa. Vì thế, bạn cần ngâm đậu đủ thời gian và nấu kỹ sữa đậu. Không nên tiêu thụ quá nhiều sữa đậu đen vì có thể bị chướng bụng do hàm lượng chất xơ trong loại sữa hạt này khá cao.
14. Sữa hạt bí xanh
Công thức làm sữa hạt bí xanh bằng máy nấu sữa hạt như sau:
- Bước 1 – Chuẩn bị nguyên liệu:
- 50 gram nhân bí xanh sống hoặc rang thơm (không cần ngâm)
- 800 ml nước lọc
- 100 gram dừa tươi (tùy ý)
- Đường và muối tùy khẩu vị
- Bước 2 – Chế biến: Xay dừa tươi bằng chức năng “Sinh tố” rồi lọc lấy nước cốt dừa. Cho nhân hạt bí xanh, nước cốt dừa và nước đến vạch 800 ml trên cối. Chọn chức năng “Sữa không nấu”.
Hạt bí xanh là phần nhân bên trong của hạt bí ngô, sau khi đã tách bỏ lớp vỏ màu trắng. Bạn nên mua loại hạt bí xanh bóc sẵn để giảm thời gian sơ chế khi làm sữa hạt. Hạt bí xanh ăn sống tốt hơn rang thơm, do magie bị mất đi trong quá trình rang hạt.
Sữa hạt bí xanh là thức uống lợi sữa cho mẹ sau sinh và giúp giảm các triệu chứng tiền mãn kinh do chứa nhiều phytoestrogen tự nhiên. Ngoài ra, uống sữa hạt bí xanh có tác dụng chống viêm, tốt cho tim mạch, giảm triệu chứng trầm cảm và giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới. Không nên uống quá nhiều sữa hạt bí xanh để tránh bị ho và khàn tiếng.
15. Sữa hạt kê
Dưới đây là cách nấu sữa hạt kê nguyên chất bằng máy xay nấu sữa hạt:
- Bước 1 – Chuẩn bị nguyên liệu:
- 100 gram hạt kê
- 1100 ml nước lọc
- Đường và muối
- Bước 2 – Ngâm hạt: Hạt kê ngâm trong 5 giờ rồi rửa sạch.
- Bước 3 – Chế biến: Cho hạt kê, muối và nước vào cối xay nấu và chọn chế độ “Sữa hạt nấu chín”. Sau khi chu trình nấu hoàn thành, cho đường vào sữa hạt kê và chọn chế độ “Sinh tố” cho tan đường.
Hạt kê giàu tinh bột nên sữa hạt kê sẽ đặc sánh. Bạn có thể tăng giảm lượng hạt kê để sữa hạt kê đạt độ lỏng phù hợp. Một số nguyên liệu có thể kết hợp với hạt kê để làm sữa hạt là hạt bí xanh, hạt sen, đậu phộng (lạc), đậu đỏ. Công thức chung để làm sữa hạt kê mix là dùng 50 gram hạt kê và 50 gram nguyên liệu khác. Không kết hợp hạt kê với hạnh nhân vì có thể gây tiêu chảy, nôn mửa.
Hạt kê (tên tiếng Anh là millet) là loại ngũ cốc rất nhỏ, hạt có màu vàng, vị bùi. Thành phần dinh dưỡng của hạt kê khá giống gạo lứt. Uống sữa hạt kê giúp cải thiện đường huyết, tốt cho tim mạch, tăng cường sức khỏe xương khớp, ngăn ngừa ung thư.
16. Sữa hạt lanh
Cách làm sữa hạt lanh nguyên chất bằng máy làm sữa hạt đơn giản như sau:
- Bước 1 – Chuẩn bị nguyên liệu:
- 100 gram hạt lanh
- 1100 ml nước lọc
- Muối, đường (hoặc chà là) tùy sở thích.
- Bước 2 – Ngâm hạt: Ngâm hạt lanh trong nước 30 phút.
- Bước 3 – Chế biến: Cho hạt lanh đã ngâm, nước lọc, đường hoặc chà là, muối vào cối xay. Chọn chế độ “Sữa hạt không nấu”.
Một số nguyên liệu có thể kết hợp với hạt lanh và tạo ra sữa hạt thơm ngon là yến mạch, hạt óc chó, mè đen. Sữa hạt lanh là lựa chọn lý tưởng cho người bận rộn vì loại hạt này chỉ cần ngâm 30 phút là có thể chế biến được.
Hạt lanh (tiếng Anh là flax seeds) là một siêu thực phẩm rất giàu dinh dưỡng. Hạt lanh rất giàu đạm, chất béo tốt omega-3, chất xơ, thiamine, vitamin nhóm B và đồng. Các lợi ích sức khỏe của hạt lanh là cải thiện sức khỏe tim mạch, giảm huyết áp, hỗ trợ kiểm soát đường huyết, cải thiện hệ tiêu hóa, ngừa ung thư (nhờ hợp chất chống ung thư lignans).
17. Sữa mè đen (vừng đen)
Dưới đây là hướng dẫn 3 bước làm sữa mè đen nguyên chất với máy xay nấu sữa hạt:
- Bước 1 – Chuẩn bị nguyên liệu:
- 100 gram mè đen
- 1100 ml nước lọc
- Muối, đường hoặc chất tạo ngọt khác tùy sở thích.
- Bước 2 – Ngâm hạt: Ngâm hạt mè đen trong 8 giờ rồi rửa sạch và rang thơm
- Bước 3 – Chế biến: Cho các nguyên liệu làm sữa mè đen vào cối xay và chọn chế độ “Sữa hạt nấu chín” hoặc “Sữa thảo mộc”.
Hạt mè đen (vừng đen) là loại hạt giàu chất béo, đạm, chất xơ và rất nhiều vitamin nhóm B, khoáng chất như canxi, kẽm, mangan, đồng, sắt, magie. Một số lợi ích sức khỏe nổi bật của sữa hạt mè đen là giúp tăng sinh collagen, chống lão hóa da, giúp tóc chắc khỏe, cải thiện sức khỏe răng miệng, cải thiện chất lượng tinh trùng, giảm các triệu chứng của thời kỳ tiền mãn kinh, giúp ngủ ngon, giúp xương chắc khỏe,…
Mè đen có khả năng gây dị ứng cao. Nếu bạn chưa từng dùng mè đen, cần sử dụng thử một lượng nhỏ và quan sát các phản ứng của cơ thể.
18. Sữa hạt đậu gà
Cách làm sữa đậu gà nguyên chất bằng máy làm sữa hạt được hướng dẫn dưới đây:
- Bước 1 – Chuẩn bị nguyên liệu:
- 100 gram đậu gà
- 1100 ml nước lọc
- Muối, đường hoặc chất tạo ngọt khác với lượng tùy ý
- Bước 2 – Ngâm hạt: Ngâm đậu gà trong 8 giờ rồi rửa sạch, bỏ vỏ.
- Bước 3 – Chế biến: Cho đậu gà đã ngâm, nước và muối vào cối xay và chọn chế độ “Sữa hạt nấu chín”. Cho đường vào sữa hạt đậu gà sau khi đã nấu xong, chọn tính năng “Sinh tố” để làm tan đường.
Một công thức sữa đậu gà ngon là sữa đậu gà hạt sen, với nguyên liệu là 50 gram đậu gà và 50 gram hạt sen, cách làm tương tự như trên.
Đậu gà (chickpeas) là loại hạt thuộc họ đậu có xuất xứ ở vùng Ai Cập và không phổ biến ở Việt Nam như các loại đậu khác. Đậu gà hạt tròn đều, có màu vàng kem hoặc nâu nhạt, rất cứng. Hạt đậu gà rất giàu đạm (19 gram protein/100 gram đậu gà), chất xơ, vitamin B6, B9 (folate) và các khoáng chất thiết yếu như natri, kali, sắt, magie.
Uống sữa đậu gà giúp cải thiện sức khỏe tim mạch, phòng ngừa ung thư, tốt cho sự phát triển của thai nhi, ngừa thiếu máu, tăng cường sức khỏe trí não và thị lực, cân bằng nội tiết tố, giảm rụng tóc và ngăn lão hóa da. Sữa hạt là thức uống tốt cho người giảm cân vì ít calo, nhiều protein và chất xơ.
19. Sữa đậu nành
Dưới đây là công thức làm sữa đậu nành đơn giản bằng máy làm sữa hạt:
- Bước 1 – Chuẩn bị nguyên liệu:
- 100 gram hạt đậu nành
- 1100 ml nước lọc
- Đường hoặc chất tạo ngọt khác tùy sở thích (trừ đường đỏ)
- Bước 2 – Ngâm hạt: Ngâm hạt đậu nành trong 8 giờ, sau đó đổ nước ngâm, sát sạch vỏ.
- Bước 3 – Chế biến: Cho đậu nành và nước lọc vào cối xay, chọn chức năng “Sữa hạt nấu chín”. Có thể dùng chế độ “Sữa hạt nấu chậm” hay “Sữa 35 phút” để loại bỏ hoàn toàn vị ngái. Thêm đường sau khi máy đã hoàn thành chu trình nấu sữa đậu nành.
3 công thức sữa đậu nành mix thơm ngon, bổ dưỡng được liệt kê dưới đây.
- Sữa đậu nành hạt sen: 50 gram đậu nành (ngâm 8 giờ, sạch vỏ), 50 gram hạt sen (không ngâm), 1100 ml nước, đường và muối. Dùng chế độ Sữa thảo mộc/Sữa hạt nấu chín.
- Sữa hạt đậu nành óc chó: 50 gram đậu nành (ngâm 8 giờ, làm sạch vỏ), 50 gram nhân hạt óc chó (ngâm 4 giờ, bóc vỏ lụa), 1100 ml nước, đường và muối tùy ý. Dùng chức năng Sữa thảo mộc/Sữa hạt nấu chín.
- Sữa đậu nành mè đen: 60 gram đậu nành (ngâm 8 giờ, bỏ vỏ), 30 gram mè đen (ngâm 8 giờ rồi rang thơm), 1100 ml nước. Chọn chế độ Sữa thảo mộc/Sữa hạt nấu chín.
Đậu nành (đậu tương) là loại hạt đậu được sử dụng phổ biến nhất. Hạt đậu nành là nguồn protein thực vật hoàn chỉnh nhất, cung cấp đủ 9 axit amin thiết yếu cho cơ thể, giống như đạm động vật. Vì vậy, sữa hạt đậu nành là thức uống cung cấp protein tuyệt vời cho người ăn thuần chay. Uống sữa đậu nành giúp ngăn ngừa loãng xương, hỗ trợ cân bằng nội tiết tố nữ, làm chậm lão hóa, tăng cường sức khỏe tim mạch và tốt cho người giảm cân.
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị người lớn uống tối đa 500 ml sữa đậu nành mỗi ngày và trẻ em uống tối đa 300 ml. Không uống sữa đậu nành với trứng, các loại thuốc và khi bạn bị đầy chướng bụng.
20. Sữa hạt diêm mạch (quinoa)
Hướng dẫn cách làm sữa hạt diêm mạch nguyên chất bằng máy làm sữa hạt như sau:
- Bước 1 – Chuẩn bị nguyên liệu:
- 80 gram hạt diêm mạch (quinoa)
- 1100 ml nước lọc
- Đường hoặc chất tạo ngọt khác tùy ý
- Bước 2 – Ngâm hạt: Ngâm hạt diêm mạch trong 5 giờ để hạt nở và mềm.
- Bước 3 – Chế biến: Cho các nguyên liệu làm sữa hạt quinoa vào máy xay nấu đa năng và chọn chức năng “Sữa hạt nấu chín” hoặc “Sữa thảo mộc”.
Dưới đây là 2 công thức sữa hạt diêm mạch vị ngon và dễ uống:
- Sữa quinoa hạt sen: 30 gram hạt quinoa (diêm mạch) ngâm 5 giờ, 50 gram hạt sen, 1100 ml nước, đường và muối tùy khẩu vị. Sử dụng chế độ “Sữa hạt nấu chín”.
- Sữa hạt diêm mạch óc chó: 30 gram diêm mạch (quinoa) (ngâm 5 giờ), 50 gram hạt óc chó (ngâm 4 giờ, bóc vỏ lụa), 1100 ml nước, muối và đường. Dùng chức năng “Sữa thảo mộc” hoặc “Sữa hạt nấu chín”.
Quinoa là loại hạt giàu tinh bột nên sữa hạt quinoa sẽ đặc sánh. Bạn có thể giảm lượng quinoa trong các công thức trên nếu muốn uống sữa hạt loãng hơn.
Quinoa (diêm mạch) là một loại ngũ cốc có xuất xứ Nam Mỹ. Hạt quinoa được coi là siêu thực phẩm vì chứa hàm lượng các hợp chất thực vật Quercetin và Kaempferol, chất chống oxy hóa flavonoid và nhiều dưỡng chất khác. Quinoa cũng là nguồn protein thực vật hoàn chỉnh, giống như hạt đậu nành, và không chứa gluten. Vì thế, hạt diêm mạch được người ăn thuần chay và người dị ứng gluten yêu thích.
Hạt diêm mạch không quen thuộc với bữa ăn của người Việt nên làm sữa hạt diêm mạch là cách đơn giản để đưa loại siêu thực phẩm này vào chế độ ăn. Sữa hạt quinoa không tốt cho người bị sỏi thận do chứa nhiều oxalat.
21. Sữa hạt dẻ cười (hồ trăn)
Công thức nấu sữa hạt dẻ cười nguyên chất bằng máy làm sữa hạt như sau:
- Bước 1 – Chuẩn bị nguyên liệu:
- 100 gram nhân hạt dẻ cười (đã bỏ vỏ cứng)
- 1100 ml nước lọc
- Đường hoặc chất tạo ngọt khác tùy ý
- Bước 2 – Ngâm hạt: Ngâm hạt dẻ cười 8 giờ trong dung dịch ngâm hạt.
- Bước 3 – Chế biến: Cho các nguyên liệu làm sữa hạt dẻ cười vào cối xay nấu đa năng. Lựa chọn tính năng “Sữa hạt nấu chín” hoặc “Sữa thảo mộc”.
Hạt dẻ cười (hạt hồ trăn), tên tiếng Anh là pitaschios, là loại hạt dinh dưỡng có nguồn gốc Tây Á. Hạt dẻ cười có vỏ cứng màu trắng bên ngoài, nhân màu xanh, có vị ngậy, bùi.
Hạt dẻ cười giàu chất đạm, xơ, chất béo tốt, đồng, vitamin B6, thiamine, phốt pho, magie, sắt, kali, kẽm và nhiều hợp chất thực vật có lợi cho sức khỏe. Tác dụng của hạt dẻ cười là giảm viêm sưng, cải thiện bệnh lý tim mạch, tuần hoàn, giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh, tăng cường sức khỏe tình dục nam giới, ngăn ngừa và chữa trị hội chứng buồng trứng đa nang ở nữ giới, giúp ngủ ngon,…
Sữa hạt dẻ cười là thức uống giàu dinh dưỡng. Tuy nhiên, bạn chỉ nên tiêu thụ tối đa 300ml sữa hạt dẻ cười mỗi ngày (tương đương 30 gram hạt). Uống quá nhiều sữa hạt dẻ cười có thể gây khó tiêu, tăng huyết áp, sỏi thận, tăng cân.
22. Sữa hạt đậu lăng đỏ
Cách làm sữa hạt đậu lăng bằng máy làm sữa hạt gồm các bước sau đây:
- Bước 1 – Chuẩn bị nguyên liệu:
- 80 gram đậu lăng đỏ
- 1100 ml nước lọc
- Một chút đường và muối, tùy khẩu vị
- Bước 2 – Ngâm hạt: Ngâm hạt đậu lăng đỏ trong 7 giờ.
- Bước 3 – Chế biến: Có 2 cách làm sữa hạt đậu lăng đỏ bằng máy là:
- Cách 1: Hấp chín hạt đậu lăng. Cho đậu lăng chín, muối và nước vào cối xay rồi chọn chế độ “Sữa không nấu”. Sau khi máy xay xong, thêm đường vào và chọn chức năng “Sinh tố” để khuấy tan đường.
- Cách 2: Cho hạt đậu lăng đã ngâm, muối và nước vào cối xay rồi chọn chế độ “Sữa thảo mộc” hoặc “Sữa hạt nấu chín”. Sau khi máy nấu xong, cho đường vào và chọn chức năng “Sinh tố” cho tan đường.
Sữa hạt đậu lăng ngon và dễ uống. Bạn có thể kết hợp đậu lăng với hạnh nhân, yến mạch, hạt sen, hạt Macca để làm sữa hạt đậu lăng mix. Tỷ lệ hạt là 50 gram đậu lăng đỏ và 50 gram nguyên liệu khác với cách làm như trên.
Đậu lăng là một loại đậu được trồng phổ biến ở Tây Á và có tên gọi khác thiết đậu. Đậu lăng có nhiều loại với màu sắc khác nhau, trong đó đậu lăng đỏ phổ biến ở Việt Nam và nấu nhanh mềm, nhuyễn hơn các loại đậu lăng khác. Hạt đậu lăng đỏ chứa nhiều hợp chất chống oxy hóa, giúp giảm viêm sưng, ngăn ngừa ung thư da, giảm cholesterol xấu, hỗ trợ giảm cân lành mạnh.
23. Sữa đậu trắng
Sau đây là hướng dẫn 3 bước làm sữa hạt đậu trắng bằng máy xay nấu sữa hạt:
- Bước 1 – Chuẩn bị nguyên liệu:
- 80 gram hạt đậu trắng
- 1100 ml nước lọc
- Đường hoặc chất tạo ngọt khác tùy ý
- Bước 2 – Ngâm hạt: Ngâm đậu trắng trong dung dịch ngâm hạt 8 – 12 tiếng.
- Bước 3 – Chế biến: Cho đậu trắng, một chút muối và nước lọc vào máy làm sữa hạt. Chọn chức năng “Sữa hạt nấu chín” hoặc “Sữa hạt nấu chậm” (35 phút) nếu bạn muốn nấu sữa kỹ hơn. Cho đường vào sữa hạt đậu trắng sau khi máy đã nấu xong.
Đậu trắng (tên tiếng Anh là black-eyed pea) là một loại đậu có vỏ màu trắng và có mắt màu đen. Đậu trắng được dùng nhiều trong ẩm thực Nam Bộ.
Sữa hạt đậu trắng là thức uống giàu protein phù hợp với người giảm cân. Ngoài ra, sữa hạt đậu trắng cũng giúp cải thiện sức khỏe đường ruột và hệ tim mạch.
24. Sữa bí đỏ
Dưới đây là công thức làm sữa bí đỏ lá dứa bằng máy làm sữa hạt rất ngon và hấp dẫn:
- Bước 1 – Chuẩn bị nguyên liệu:
- 150 gram bí đỏ
- 1 lít nước lọc
- 100 ml sữa tươi
- Lá dứa
- Đường hoặc sữa đặc tùy ý
- Bước 2 – Hấp bí đỏ: Bí đỏ gọt sạch vỏ, cắt miếng vừa. Hấp hoặc luộc bí đỏ cùng với lá dứa cho đến khi bí đỏ chín mềm.
- Bước 3 – Xay bí: Cho bí đỏ đã chín cùng nước luộc bí, sữa tươi, đường hoặc sữa đặc vào máy làm sữa hạt. Chọn chức năng “Sữa hạt không nấu” và đợi 8 phút là sữa hoàn thành.
2 công thức sữa bí đỏ ngon và bổ dưỡng được liệt kê dưới đây:
- Sữa bí đỏ đậu phộng: 60 gram bí đỏ (rửa sạch, cắt miếng nhỏ), 40 gram đậu phộng rang thơm, 1100 ml nước, một chút đường và muối. Sử dụng tính năng “Sữa thảo mộc” hoặc “Sữa hạt nấu chín”.
- Sữa bí đỏ yến mạch: 75 gram bí đỏ, 40 gram yến mạch (rang thơm rồi rửa lại bằng nước), 1100 ml nước, đường và muối tùy ý. Chọn chức năng “Sữa hạt không nấu” nếu đã hấp chín bí đỏ. Chọn chức năng “Sữa thảo mộc” hoặc “Sữa hạt nấu chín” nếu dùng bí đỏ tươi.
Bí đỏ (bí ngô, bí rợ) là một loại quả có vỏ và ruột màu vàng cam, giàu tinh bột, betacaroten, vitamin nhóm B, vitamin C, canxi, phốt pho. Bí đỏ tốt cho não bộ và mắt, tạo cảm giác no lâu, hỗ trợ tiêu hóa, giúp tăng sinh collagen và làm chậm lão hóa da, ngừa ung thư.
Sữa bí đỏ là thức uống bổ dưỡng, đặc biệt là cho phụ nữ có thai và trẻ nhỏ. Không nên uống quá nhiều sữa bí đỏ và dùng quá 2 lần/tuần, vì có thể bị khó tiêu.
25. Sữa 5 loại đậu (sữa ngũ đậu)
Công thức làm sữa ngũ đậu bằng máy làm sữa hạt gồm 3 bước dưới đây:
- Bước 1 – Chuẩn bị nguyên liệu:
- 20 gram đậu xanh
- 20 gram đậu đỏ
- 20 gram đậu nành
- 20 gram đậu trắng (black-eyed pea)
- 20 gram đậu đen
- 1100 ml nước lọc
- Đường, muối tùy khẩu vị
- Bước 2 – Ngâm hạt: Ngâm 5 loại đậu trong nước từ 8 đến 12 giờ. Vớt bỏ hạt lép, hỏng và đổ nước ngâm hạt đi. Đậu xanh để nguyên vỏ, đậu nành sát sạch vỏ.
- Bước 3 – Chế biến: Đổ 5 loại hạt đậu, một chút muối và 1100 ml nước vào cối xay của máy nấu sữa hạt. Chọn chế độ “Sữa hạt nấu chín” (25 phút). Bạn có thể chọn chức năng “Sữa hạt nấu chậm” (35 phút) để loại bỏ hoàn toàn vị ngái của một số loại đậu. Cho đường vào sữa khi máy nấu xong, chọn chức năng “Sinh tố” để tan đường.
Sữa 5 loại đậu được lựa chọn theo ngũ hành, để cân bằng 5 yếu tố Mộc, Hỏa, Thổ, Kim, Thủy. 5 loại đậu kể trên tương ứng với ngũ tạng của cơ thể (can, tâm, tỳ, phế, thận): đậu xanh bổ can, đậu đỏ bổ tâm, đậu nành bổ tỳ, đậu trắng bổ phế, đậu đen bổ thận (Theo kênh Youtube Deminlo). Sữa ngũ đậu là thức uống giàu dinh dưỡng, giúp bổ sung protein hoàn chỉnh cho cơ thể người.
Tải sách PDF 101 công thức làm sữa hạt bằng máy
Dưới đây là 3 sách công thức làm sữa hạt bằng máy bản PDF mà bạn có thể tải về (download). Lưu ý: bản quyền thuộc về tác giả.
Sách online 100 công thức sữa thảo mộc (Dingo)
Nguyên liệu làm sữa hạt gồm những gì?
Các nguyên liệu làm sữa hạt gồm 3 nhóm là:
- Nhóm 1 – Các loại hạt nhiều dầu: Là hạt chứa hàm lượng dầu và chất béo omega-3 cao, có vị ngậy béo như hạt lạc (đậu phộng), hạt điều, hạt óc chó, hạt hạnh nhân, hạt dẻ cười, hạt Macca, hạt phỉ (hazelnut), vừng (mè), hạt hướng dương, hạt bí xanh,…
- Nhóm 2 – Các loại hạt nhiều chất bột đường và chất xơ. Ví dụ như các loại hạt họ đậu (đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ, đậu trắng, đậu gà, đậu lăng, đậu Hà Lan,…), hạt kê, hạt diêm mạch (quinoa), hạt kiều mạch, gạo lứt, yến mạch,…
- Nhóm 3 – Củ quả dạng sánh, dẻo, có vị ngọt tự nhiên. Ví dụ như khoai lang, bí ngô, cà rốt, củ dền, bắp ngọt,…
Cách mix các loại hạt làm sữa như thế nào?
Nguyên tắc mix (kết hợp) các nguyên liệu làm sữa là kết hợp 2 hoặc 3 nhóm nguyên liệu kể trên với nhau. Nghĩa là, bạn có thể:
- Kết hợp hạt nhiều dầu với hạt nhiều chất bột đường và xơ
- Mix hạt nhiều dầu với củ quả sánh dẻo, có vị ngọt tự nhiên
- Kết hợp hạt nhiều bột đường và chất xơ với củ quả sánh dẻo, ngọt tự nhiên
- Mix hạt nhiều dầu, hạt nhiều chất bột đường và củ quả.
Bạn không nên kết hợp quá 3 loại nguyên liệu trong một công thức sữa hạt vì không biết rõ sự kết hợp của nhiều nguyên liệu có tạo ra các chất có hại cho sức khỏe hay không. Mix quá nhiều hạt và củ quả cũng có thể gây khó tiêu và làm mất vị ngon vốn có của từng loại hạt.
Thời gian ngâm các loại hạt làm sữa là bao lâu?
Thời gian ngâm các loại hạt để làm sữa được thể hiện trong bảng dưới đây, theo hướng dẫn của TheBlenderGirl:
STT | Hạt | Thời gian ngâm | STT | Hạt | Thời gian ngâm |
---|---|---|---|---|---|
1 | Đậu đỏ | 8 – 12 giờ | 16 | Lúa mì nguyên cám | 7 giờ |
2 | Đậu đen (đỗ đen) | 8 – 12 giờ | 17 | Hạt kiều mạch | 6 giờ |
3 | Đậu xanh | 8 – 12 giờ | 18 | Hạt lúa mạch | 6 giờ |
4 | Đậu trắng | 8 – 12 giờ | 19 | Yến mạch nguyên hạt | 6 giờ |
5 | Đậu nành | 8 giờ | 20 | Hạt hồ đào | 6 giờ |
6 | Đậu gà | 8 giờ | 21 | Hạt quinoa (diêm mạch) | 5 giờ |
7 | Đậu lăng | 7 giờ | 22 | Hạt kê | 5 giờ |
8 | Gạo lứt | 9 giờ | 23 | Hạt óc chó | 4 giờ |
9 | Hạnh nhân | 8 – 12 giờ | 24 | Hạt điều | 2 – 4 giờ |
10 | Hạt phỉ | 8 – 12 giờ | 25 | Hạt thông | 2 giờ |
11 | Hạt dền amaranth | 8 giờ | 26 | Hạt Brazil | 3 giờ |
12 | Hạt dẻ cười (hồ trăn) | 8 giờ | 27 | Hạt Macca | 2 giờ |
13 | Hạt bí ngô | 8 giờ | 28 | Hạt lanh | 30 phút |
14 | Hạt mè (vừng) | 8 giờ | 29 | Hạt sen khô | 30 phút – 1 giờ |
15 | Hạt hướng dương | 8 giờ | 30 | Hạt sen tươi | Không ngâm |
Nguyên lý ngâm hạt làm sữa là hạt càng cứng thì thời gian ngâm càng dài. Hạnh nhân, hồ trăn (hạt dẻ cười) và hạt phỉ cần ngâm ít nhất 8 giờ. Các loại hạt nhiều dầu cần ngâm ít hơn như hạt hồ đào, hạt óc chó, hạt Brazil. Hạt có hàm lượng chất béo cao nhất như hạt thông, hạt Macca, hạt điều chỉ ngâm từ 2 đến 4 giờ.
Cách ngâm hạt để làm sữa là ngâm chúng ngập trong dung dịch ngâm hạt, rồi để trong nhiệt độ phòng trong thời gian phù hợp với từng loại hạt. Dung dịch ngâm hạt được pha chế như sau: 1 lít nước lọc ấm, ½ thìa cà phê muối, 1 thìa nước cốt chanh (hoặc giấm). Thay nước 2 – 3 lần nếu ngâm lâu. Hết thời gian ngâm, loại bỏ dung dịch ngâm hạt và rửa sạch hạt bằng nước. Hạt đã ngâm nên được sử dụng ngay hoặc bảo quản lạnh trong thời gian ngắn.
Tại sao cần ngâm hạt trước khi làm sữa? Ngâm hạt trước khi làm sữa sẽ giúp cơ thể người tiêu hóa và hấp thụ dưỡng chất tốt hơn, kích hoạt các chất dinh dưỡng có trong hạt, cải thiện hương vị và giúp giảm thời gian chế biến.
- Trong các loại hạt (ngũ cốc, đậu, hạt quả hạch) có chứa chất ức chế enzym giúp bảo vệ hạt và ức chế sự nảy mầm, gọi là axit phytic. Khi tiêu thụ hạt chưa được ngâm, axit phytic vào trong cơ thể sẽ ức chế một số enzyme tiêu hóa như amylase (giúp tiêu hóa bột đường), pepsin và trypsin (giúp tiêu hóa protein). Axit phytic cũng giảm sự hấp thụ canxi, sắt, kẽm trong ruột, gây ra thiếu hụt dinh dưỡng. Ngâm hạt trong môi trường axit và nấu chín sẽ làm giảm lượng axit phytic có trong các loại hạt, từ đó giúp cơ thể hấp thụ các chất dinh dưỡng tốt hơn.
- Ngâm hạt giúp loại bỏ axit phytic sẽ kich hoạt tiềm năng của các chất dinh dưỡng có trong hạt như vitamin A, C, vitamin nhóm B, giải phóng các enzym.
- Ngâm nước giúp hạt mềm ra, dễ xay mịn và nhanh chín hơn, từ đó cho kết cấu sữa hạt sánh mịn và tiết kiệm thời gian chế biến.
Cách làm sữa hạt tại nhà như thế nào?
Có 3 cách làm sữa hạt tại nhà là dùng máy làm sữa hạt chuyên dụng, dùng máy xay sinh tố hoặc sử dụng máy ép chậm.
Để làm sữa hạt bằng máy xay nấu sữa hạt, bạn chỉ cần cho các nguyên liệu đã sơ chế (ngâm, bóc vỏ, làm sạch,…) vào cối xay và chọn chế độ phù hợp. Một chiếc máy làm sữa hạt tốt sẽ giúp bạn hoàn thành nhanh chóng công đoạn xay và nấu sữa.
Cách làm sữa hạt bằng máy xay sinh tố là xay các nguyên liệu đã sơ chế với nước, sau đó lọc qua rây để loại bỏ bã, rồi đun hỗn hợp sữa trên bếp.
Để làm món sữa hạt bằng máy ép tốc độ chậm, bạn cho hạt đã ngâm mềm cùng nước lọc vào máy ép chậm. Sữa hạt thu được đem đun trên bếp.
Uống sữa hạt có tốt không?
Uống sữa hạt rất tốt cho sức khỏe. 12 lợi ích của sữa hạt với sức khỏe con người được liệt kê dưới đây:
- Hỗ trợ tăng và giảm cân: Sữa hạt ít calo hơn sữa bò, nhiều chất béo tốt và ít chất béo bão hòa, giúp bạn kiểm soát cân nặng hiệu quả (theo Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan).
- Bổ sung canxi: Sữa hạt, đặc biệt là sữa đậu nành, sữa hạnh nhân, sữa hạt lanh, sữa yến mạch có lượng canxi cao hơn sữa bò, tốt cho hệ xương khớp (theo số liệu của USDA – Bộ Nông nghiệp Mỹ).
- Tốt cho hệ tiêu hóa: Sữa hạt chứa chất xơ, giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh.
- Cung cấp vitamin D và E: Sữa hạt từ hướng dương, hạnh nhân, ngũ cốc, yến mạch giúp bổ sung nhiều vitamin D và E, tốt cho da và sức khỏe.
- Làm đẹp da: Vitamin D, E trong sữa hạt giúp da sáng mịn, giảm thâm nám, ngăn ngừa lão hóa.
- Thay thế sữa bò cho người dị ứng lactose: Sữa hạt không chứa lactose – một loại đường tự nhiên có trong hầu hết sữa của động vật có vú. Dị ứng lactose (hay còn gọi là chứng không dung nạp lactose) là tình trạng ruột non không sản sinh đủ lượng enzyme lactase để tiêu hóa đường sữa.
- Cung cấp protein cho người ăn chay: Sữa đậu nành và sữa hạt quinoa chứa đủ 9 loại axit amin thiết yếu, giúp người ăn chay bổ sung protein.
- Tốt cho tim mạch: Theo Vinmec, sữa hạt chứa chất béo không bão hòa đơn và đa, omega-3, chất xơ, giúp giảm cholesterol, ngăn ngừa nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
- Tăng cường sức khỏe mắt: Sữa hạt chứa lutein, zeaxanthin, omega-3, vitamin E giúp bảo vệ mắt, giảm nguy cơ thoái hóa điểm vàng, khô mắt, đục thủy tinh thể (theo Healthline).
- Kiểm soát đường huyết: Sữa hạt có chỉ số đường huyết thấp, tốt cho người tiểu đường.
- Bổ sung dưỡng chất cho bà bầu: Sữa hạt cung cấp protein, chất béo, vitamin, axit folic, omega-3, L-arginine,… cần thiết cho bà bầu và thai nhi.
- Lợi sữa cho mẹ sau sinh: Sữa hạt chứa vitamin B1, B2, B6, selen giúp mẹ nhiều sữa và sữa chất lượng tốt. Theo Vinmec, các loại hạt giúp mẹ nhiều sữa là hạnh nhân, hạt điều, hạt phỉ, Macca, hạt thông, hạt dẻ cười, hạt óc chó, hạt quả hạch Brazil.
Uống sữa hạt có giảm cân không?
Uống sữa hạt giúp giảm cân lành mạnh nhờ lượng calo thấp và hàm lượng cao chất béo chưa bão hòa đơn.
Hầu hết các loại sữa hạt đều cung cấp ít calo hơn sữa bò. Theo USDA, lượng calo cung cấp bởi 100 ml sữa hạnh nhân, sữa hạt dẻ cười, sữa gạo và sữa yến mạch lần lượt là 19 calo, 21 calo, 47 calo và 48 calo (kcal).
Sữa hạt làm từ các loại hạt giàu chất béo chứa nhiều axit béo chưa bão hòa đơn (monounsaturated fatty acids (MUFAs)). Một số nghiên cứu chỉ ra rằng một chế độ ăn nhiều chất béo chưa bão hòa đơn giúp giảm cân, miễn là bạn không nạp nhiều calo hơn mức cơ thể cần. Nghiên cứu của các nhà khoa học tại Viện Tim Trung Mỹ Saint Luke, Missouri (Hoa Kỳ) cho biết những người tiêu thụ nhiều chất béo không bão hòa đơn sẽ giảm cân và mỡ trong cơ thể nhiều hơn những người tiêu thụ nhiều chất béo bão hòa.
Uống sữa hạt có tăng cân không?
Uống sữa hạt khó gây tăng cân nếu bạn uống với lượng vừa phải, vì sữa hạt cung cấp ít calo. Tuy nhiên, uống quá nhiều sữa hạt kết hợp với việc duy trì một chế độ ăn nhiều calo hơn mức cơ thể cần sẽ khiến bạn tăng cân.
Uống sữa hạt đúng cách như thế nào?
Để uống sữa hạt đúng cách và mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, bạn chỉ nên uống 200 – 250 ml sữa hạt mỗi lần và không uống nhiều hơn 500 ml (0,5 lít) sữa hạt mỗi ngày. Nên uống sữa hạt nguyên chất, không bổ sung thêm đường để tránh nạp quá nhiều đường vào cơ thể và gây tăng cân. Các hướng dẫn và lưu ý về thời điểm uống sữa hạt tốt sẽ được chia sẻ trong phần tiếp theo của bài viết.
Nên uống sữa hạt vào thời điểm nào trong ngày?
Bạn nên uống sữa hạt vào buổi sáng, vào buổi chiều (như một bữa phụ) và trước khi đi ngủ. Người tập luyện thể thao nên uống sữa hạt 30 phút trước khi tập luyện.
- Uống sữa hạt vào buổi sáng khi bụng rỗng là thời điểm lý tưởng cho tiêu hóa và hấp thụ các dưỡng chất có trong sữa hạt như chất đạm, chất xơ, vitamin A, E, canxi, kẽm. Làm sinh tố từ sữa hạt với trái cây, rau xanh, sữa chua, hạt chia,… giúp bạn cung cấp năng lượng cho ngày mới.
- Dùng sữa hạt vào bữa phụ buổi chiều (3 – 4 giờ chiều) hỗ trợ bạn giảm cân lành mạnh vì sữa hạt chứa calo thấp và giúp bạn có cảm giác no lâu.
- Uống sữa hạt vào buổi tối giúp bạn ngủ ngon vì sữa hạt chứa nhiều magie giúp thư giãn cơ bắp. Sữa từ các loại hạt sau chứa nhiều magie nhất: hạnh nhân, hạt điều, hạt Brazil, hạt bí đỏ, hạt hồ đào, hạt hướng dương, đậu phộng (lạc), hạt lanh. Sữa từ các loại đậu như đậu xanh, đậu Hà lan, đậu nành, đậu lăng cũng cung cấp nhiều magie.
- Vận động viên hay người tập luyện thể thao nên uống sữa hạt trước khi tập luyện 30 phút để nạp năng lượng cho quá trình vận động và trì hoãn sự mỏi cơ.
Bạn không nên uống sữa hạt ngay sau bữa ăn vì các enzym trong sữa hạt có thể cản trở sự phân hủy thức ăn trong dạ dày.
Một số tình trạng sức khỏe nhất định cũng ảnh hưởng đến thời điểm uống sữa hạt. Ví dụ, người bị thiếu máu do thiếu sắt nên tránh uống sữa hạt trong bữa ăn hoặc ngay sau khi bổ sung sắt, vì điều này có thể làm giảm sự hấp thu sắt.
Có nên uống sữa hạt thay bữa sáng không?
Không nên uống sữa hạt thay thế hoàn toàn bữa sáng vì sữa hạt không cung cấp đủ năng lượng và chất dinh dưỡng như một bữa sáng hoàn chỉnh. Ví dụ: 1 ly sữa yến mạch (240 ml) chỉ cung cấp 91,2 calo (kcal), 3 gram protein, 1,49 gram chất béo, 17 gram carbohydrate (theo số liệu của USDA).
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo bạn chỉ nên uống sữa hạt như một phần của bữa sáng, kết hợp cùng các thực phẩm khác để đảm bảo cung cấp đủ năng lượng, các chất dinh dưỡng đa lượng và vi lượng cho cơ thể. Một bữa sáng cân bằng dinh dưỡng sẽ cung cấp cho cơ thể đủ năng lượng để hoạt động sau một đêm dài nghỉ ngơi.
Có nên uống sữa hạt trước khi ngủ?
Bạn nên uống sữa hạt trước khi đi ngủ vì sữa hạt chứa các khoáng chất và hormone giúp bạn ngủ ngon. Có một số nghiên cứu liên quan đến tác dụng hỗ trợ giấc ngủ của sữa hạnh nhân. Theo Healthline, dầu tím làm từ hạnh nhân hoặc hạt vừng đã được sử dụng trong y học cổ truyền Iran từ xa xưa để điều trị chứng mất ngủ. Trong một nghiên cứu khác của Đại học Khoa học Y tế Iran trên 442 sinh viên đại học, số người tham gia báo cáo chứng mất ngủ đã giảm 8,4% sau khi tiêu thụ 10 quả hạnh nhân mỗi ngày trong 2 tuần.
Sữa hạnh nhân chứa một số hormone và khoáng chất giúp dễ ngủ, bao gồm tryptophan, melatonin và magiê. Một số nghiên cứu khoa học trong những năm gần đây đã cho thấy tiềm năng của magie trong việc điều trị chứng mất ngủ, đặc biệt là ở người lớn tuổi.
Có nên uống sữa hạt khi đói bụng?
Bạn nên uống sữa hạt khi đói bụng vì sữa hạt sẽ giúp bạn nạp năng lượng, tạo cảm giác no, đồng thời hấp thụ được nhiều dưỡng chất có trong sữa hạt như chất đạm, chất xơ, vitamin A, E, canxi, kẽm.
Tuy nhiên, theo Vinmec, bạn không nên uống sữa đậu nành khi đói vì khi đó, hầu hết các protein trong sữa đậu nành sẽ chuyển thành nhiệt và không được hấp thụ một cách phù hợp. Uống sữa đậu nành kết hợp với ăn thực phẩm giàu tinh bột khi đói giúp hấp thụ dưỡng chất tốt hơn.
Mỗi ngày nên uống bao nhiêu sữa hạt?
Không có hướng dẫn cụ thể của các đơn vị y tế, dinh dưỡng về lượng sữa hạt nên uống mỗi ngày. Theo Thạc sĩ – Bác sĩ Lê Thị Hải – Nguyên Giám đốc trung tâm khám tư vấn dinh dưỡng – Viện Dinh dưỡng Quốc gia, mỗi người lớn nên uống tối đa 500 ml sữa hạt mỗi ngày. Uống quá lượng sữa hạt này có thể gây đầy chướng bụng.
Ngày nào cũng uống sữa hạt có tốt không?
Uống sữa hạt hàng ngày tốt cho sức khỏe nếu bạn uống với lượng vừa phải (tối đa 500 ml sữa hạt/ngày). Không nên dùng sữa hạt thay thế hoàn toàn bữa ăn vì sẽ gây ra thiếu hụt dinh dưỡng. Bạn chỉ nên dùng sữa hạt như một phần của chế độ ăn uống cân bằng, đặc biệt nếu bạn bị dị ứng lactose có trong sữa động vật hoặc bạn theo chế độ ăn thuần chay.
Mỗi loại sữa hạt mang lại lợi ích sức khỏe khác nhau, tùy thuộc vào nguyên liệu làm sữa hạt. Một số tác dụng điển hình mà sữa hạt mang lại cho sức khỏe là hỗ trợ kiểm soát cân nặng, bổ sung vitamin D và E, làm đẹp da, tăng cường chất xơ hỗ trợ tiêu hóa, cải thiện sức khỏe tim mạch,…
Những ai không nên uống sữa hạt?
Theo Nhà thuốc Long Châu, người có vấn đề về đường tiêu hóa, người bệnh gout, người mới phẫu thuật, người đang dùng thuốc kháng sinh, người thiếu máu, suy nhược cơ thể, thiếu dinh dưỡng và trẻ em dưới 1 tuổi không nên uống sữa hạt. Ngoài ra, người bị dị ứng với các thành phần trong sữa hạt cũng không nên tiêu thụ thức uống này.
Ngoài những đối tượng kể trên, người bị ung thư vú, người bị sỏi thận, người thiếu kẽm không nên uống sữa đậu nành (theo Vinmec). Phụ nữ có thai và cho con bú chỉ nên sử dụng ít sữa đậu nành và chỉ dùng khi thấy cần thiết.
Bà bầu uống sữa hạt có tốt không?
Bà bầu uống sữa hạt rất tốt vì các hạt dinh dưỡng cung cấp nhiều dưỡng chất cần thiết cho bà bầu là chất đạm, chất béo, chất xơ, vitamin B, E, axit folic (vitamin B9), axit béo omega-3, L-arginine,… Theo Vinmec, bà bầu bổ sung hạt dinh dưỡng trong thai kỳ có thể bảo vệ em bé khỏi dị ứng và cải thiện khả năng nhận thức ở trẻ.
Một số loại hạt tốt nhất cho người đang mang thai là hạnh nhân (giúp điều chỉnh lượng đường trong máu và điều chỉnh huyết áp, đậu phộng (giàu axit folic rất cần thiết cho sự phát triển trí não và cột sống của thai nhi), Macca (giúp giảm viêm sưng, kiểm soát đường máu và huyết áp), hạt dẻ cười (giàu kẽm, sắt, selen và vitamin E), hạt óc chó (giàu omega-3 giúp tăng cường sức khỏe trí não).
Bà bầu không nên uống nhiều sữa đậu nành vì có thể nguy hiểm đến sự phát triển của thai nhi.
Người bị tiểu đường có uống sữa hạt được không?
Người bị tiểu đường có thể uống sữa hạt. Có rất nhiều nghiên cứu khoa học về ảnh hưởng của các loại hạt đến người bị tiểu đường. Kết quả của các nghiên cứu này không hoàn toàn thống nhất, xong nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng tiêu thụ các loại hạt trong chế độ ăn hàng ngày tốt cho người bị tiểu đường. Một nghiên cứu năm 2011 xuất bản trên website của Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ với sự tham gia của 117 người mắc tiểu đường tuýp 2. Nhóm người tiêu thụ 75 gram hạt mỗi ngày trong 3 tháng đã giảm lượng glucose trong máu. Nghiên cứu của Jenkins David J.A., Hu Frank B và cộng sự cũng cho thấy các loại hạt có thể làm giảm lượng đường huyết sau bữa ăn khi được ăn cùng với thực phẩm chứa chất bột đường.
Theo MedicalNewsToday, 5 loại hạt tốt nhất cho người bị tiểu đường là hạnh nhân, hạt óc chó, hạt điều, hạt dẻ cười (hạt hồ trăn) và đậu phộng. Người bị tiểu đường nên tự làm sữa từ các loại hạt kể trên hoặc mua sữa hạt không đường đóng chai.
Trẻ em dưới 1 tuổi uống sữa hạt được không?
Trẻ em dưới 1 tuổi không nên uống sữa hạt, theo khuyến nghị của các chuyên gia dinh dưỡng. Trong 12 tháng đầu tiên của trẻ nhỏ, sữa mẹ và sữa công thức là nguồn dinh dưỡng tối ưu. Sữa hạt không cung cấp đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu cho trẻ ở giai đoạn dưới 1 năm tuổi và có thể gây khó tiêu vì hệ tiêu hóa của trẻ còn non nớt. Các món sữa hạt tốt cho trẻ nhỏ nên được bổ sung vào chế độ ăn của trẻ trên 12 tháng tuổi.
Bảo quản sữa hạt như thế nào?
Thông tin dưới đây sẽ cho bạn biết cách bảo quản sữa hạt tự làm và sữa hạt để được bao lâu, theo hướng dẫn của website Veganmilker:
- Dụng cụ bảo quản: Sữa hạt được bảo quản tốt nhất trong lọ thủy tinh có nắp đậy kín. Nếu không có chai thủy tinh, bạn có thể dùng chai hoặc hộp đựng làm bằng nhựa không chứa BPA.
- Nhiệt độ và thời gian bảo quản: Sữa hạt nên được bảo quản trong tủ lạnh, với thời gian và nhiệt độ được liệt kê bên dưới. Các yếu tố như nhiệt độ, tốc độ oxy hóa, chất lượng của nguyên liệu có thể ảnh hưởng đến thời gian lưu trữ sữa hạt.
- Ở nhiệt độ 0℃ đến 2℃: Sữa hạt có thể được bảo quản 8 – 10 ngày.
- Ở nhiệt độ 3℃ đến 4℃: Sữa hạt có thể được bảo quản 5 – 8 ngày.
- Ở nhiệt độ 5℃ đến 8℃: Sữa hạt có thể được bảo quản 3 – 6 ngày.
- Sữa hạt có thể bị phân tầng (tách lớp) khi bảo quản lạnh. Đây là hiện tượng bình thường và không ảnh hưởng đến chất lượng sữa hạt. Bạn chỉ cần lắc đều chai sữa hạt trước khi sử dụng.
- Sữa hạt có thể bảo quản đông lạnh. Khi cấp đông sữa hạt, cần để khoảng trống gần nắp chai để tránh làm vỡ chai khi sữa hạt đông lại và tăng thể tích. Sữa hạt đã rã đông phải sử dụng hết trong 2 ngày, phần sữa chưa uống hết phải được bảo quản lạnh.
Sữa hạt bị hỏng có dấu hiệu gì?
Các dấu hiệu sữa hạt tự làm bị hỏng bao gồm: mốc xanh, sủi bọt, sữa tách nước và có mùi hôi, sữa có màu và mùi lạ. Dấu hiệu sữa hạt đóng hộp bị hỏng là vỏ ngoài của hộp bị phồng lên.