Cách làm sữa hạt bằng máy xay sinh tố giữ trọn dinh dưỡng

Sữa hạt làm bằng máy xay sinh tố

Sữa hạt là loại sữa được làm từ các hạt dinh dưỡng như hạt điều, hạnh nhân, óc chó,… hay các hạt ngũ cốc như yến mạch, gạo lứt, mè (vừng),… Có thể làm sữa hạt bằng nhiều cách như dùng máy xay sinh tố, máy làm sữa hạt hoặc máy ép chậm. Trong đó, làm sữa hạt bằng máy xay sinh tố là cách làm phổ biến cho thiết bị này giá rẻ và hầu như gia đình nào cũng có.

Các bước làm sữa hạt bằng máy xay sinh tố như sau:

  1. Bước 1: Chuẩn bị các nguyên liệu và dụng cụ cần thiết
  2. Bước 2: Ngâm hạt và sơ chế hạt
  3. Bước 3: Xay hạt bằng máy xay sinh tố
  4. Bước 4: Lọc sữa hạt
  5. Bước 5: Nấu sữa hạt (nếu cần)
  6. Bước 6: Bảo quản sữa hạt

Khi làm sữa hạt bằng máy xay sinh tố, cần lưu ý xay tốc độ từ chậm đến nhanh để hạt nhuyễn mịn và lọc thật kỹ để sữa không bị lợn cợn. Do máy xay sinh tố có công suất nhỏ hơn máy làm sữa hạt và không có chức năng nấu, nên làm sữa hạt bằng máy xay sinh tố phức tạp và tốn thời gian hơn dùng máy xay nấu sữa hạt chuyên dụng.

Phần cuối bài viết sẽ hướng dẫn bạn cách làm món sữa đậu nành – một trong những loại sữa hạt phổ biến nhất – bằng máy xay sinh tố.

1. Bước 1: Chuẩn bị các nguyên liệu và dụng cụ cần thiết

Dưới đây là các dụng cụ cần chuẩn bị theo từng công đoạn làm sữa hạt bằng máy xay sinh tố:

  • Sơ chế: Các loại hạt tùy thích như hạt điều, hạnh nhân, óc chó…, (tỷ lệ trung bình là 100 gram hạt cho 1 lít sữa hạt thành phẩm). Bát lớn hoặc hộp, rổ rá.
  • Xay, lọc: Máy xay sinh tố để bàn, nước lọc, rây lưới nhỏ hoặc khăn vải
  • Nấu: Nồi, bếp, chất tạo ngọt như chà là, táo đỏ, đường phèn,… tùy thích
  • Bảo quản: Chai lọ có nắp đậy
Nguyên liệu và dụng cụ làm sữa hạt

2. Bước 2: Ngâm hạt và sơ chế hạt

Nhặt bỏ các hạt bị lép, bị hỏng rồi đem rửa sạch với nước. Sau đó ngâm hạt để loại bỏ vị chát, làm tăng giá trị dinh dưỡng và dễ xay hơn. 

Dưới đây là thời gian ngâm một số loại hạt phổ biến:

  • Hạt điều, hạt óc chó ngâm, hạt macca ngâm nước khoảng 2 – 4 tiếng
  • Hạt dẻ cười (hồ trăn), vừng (mè), hạt hướng dương ngâm nước khoảng 8 tiếng
  • Các loại hạt đậu, gạo, hạt hạnh nhân sống cần ngâm từ 8 – 12 tiếng
  • Ngô (bắp), yến mạch cán dẹt, hạt sen tươi,… không cần ngâm nước.
thời gian ngâm các loại hạt phổ biến

Sau khi hạt đã nở thì đổ nước đi và loại bỏ các hạt hỏng hay tạp chất còn sót lại. Bóc hoặc rửa sạch lớp vỏ mỏng bao quanh các hạt như hạnh nhân, óc chó, hạt điều, các loại đậu,… để không làm ảnh hưởng đến hương vị của sữa thành phẩm.

3. Bước 3: Xay hạt bằng máy xay sinh tố

Cho các loại hạt và nước vào máy xay rồi xay đến khi hạt nhuyễn mịn. Bạn cần 1 lít nước cho 100 gram hạt. Chia làm nhiều lần xay để tránh làm kẹt máy, nếu lượng hạt cần xay nhiều. Lượng hạt xay mỗi lần tùy thuộc vào dung tích cối xay của máy xay sinh tố. Tham khảo bài viết hướng dẫn sử dụng máy xay sinh tố để bàn để xay sữa hạt đúng cách mà vẫn đảm bảo an toàn và độ bền của máy.

Tùy vào công thức sữa hạt, bạn có thể xay hạt cùng vài quả chà là hoặc táo đỏ để tạo vị ngọt và mùi thơm cho sữa.

4. Bước 4: Lọc sữa hạt

Có 2 cách để lọc sữa hạt là dùng rây lưới nhỏ hoặc khăn vải. Nếu dùng rây thì bạn đổ sữa hạt vào rây rồi dùng thìa ép hết nước ở phần bã ra. Nếu dùng khăn vải thì đổ sữa vào khăn và dùng tay bóp chặt phần bã cho ra hết nước. Có thể lọc lần 2 nếu thấy sữa vẫn còn nhiều bột.

2 cách lọc sữa hạt sau khi xay

5. Bước 5: Nấu sữa hạt (nếu cần)

Nếu bạn dùng các loại hạt sống hoặc hạt đậu thì cần nấu chín sữa trên bếp. Cách nấu sữa hạt như sau:

  • Đổ phần sữa đã lọc vào nồi, cho thêm đường hoặc chất tạo ngọt theo khẩu vị. Nên hạn chế dùng đường trắng sẽ tốt hơn cho sức khỏe.
  • Bật bếp ở mức lửa vừa, vừa đun vừa khuấy đều để sữa không bị tách nước hay bị khét. Khi sữa sôi thì hạ lửa nhỏ và đun thêm 10 – 15 phút nữa rồi tắt bếp.

Nếu bạn dùng các loại hạt đã rang chín như hạnh nhân, hạt điều, macca,… thì có thể bỏ qua bước nấu sữa hạt và uống luôn.

6. Bước 6: Bảo quản sữa hạt

Để bảo quản sữa hạt, bạn để sữa nguội hẳn rồi cho sữa vào chai đóng nắp kín và bảo quản trong tủ mát. Nên dùng hết sữa trong vòng 1 – 2 ngày.

Cất chai sữa hạt để trong tủ lạnh

Máy xay sinh tố nào làm được sữa hạt?

Các dòng máy xay sinh tố gia đình loại để bàn và máy xay sinh tố cầm tay dạng nhúng, có công suất 500W trở lên làm được sữa hạt. Máy xay sinh tố mini loại dùng pin sạc không làm được sữa hạt do có công suất nhỏ, không đủ để xay các loại hạt cứng.

Lưu ý khi làm sữa hạt bằng máy xay sinh tố

  • Các loại hạt cứng như hạnh nhân, macca, hạt loại đậu,… cần ngâm cho mềm rồi mới xay để không làm hỏng lưỡi dao của máy xay sinh tố. 
  • Làm sữa hạt bằng máy xay sinh tố cần lọc bỏ bã, do máy xay sinh tố không đủ công suất để xay hạt mịn như máy làm sữa hạt. Vì thế, cần dùng nhiều hạt và nhiều nước hơn so với công thức sữa hạt làm bằng máy làm sữa hạt. Bạn tăng giảm lượng nước để thu được sữa có độ đặc tùy thích.
  • Sau khi xay, phải dùng rây lưới nhỏ hoặc khăn vải để lọc sữa thật kỹ để sữa sánh mịn và không lợn cợn.

Máy xay sinh tố có thể làm những loại sữa hạt nào?

Máy xay sinh tố có thể làm mọi loại sữa hạt như sữa đậu nành, đậu đen, hạt sen, hạnh nhân, macca, hạt điều, óc chó, sữa ngô (bắp), sữa yến mạch, sữa gạo,… Bạn tham khảo thêm công thức sữa hạt của Blog Trần Thùy Duyên để biết thêm nhiều công thức sữa hạt mix thơm ngon, nhiều dinh dưỡng.

Một số loại sữa hạt

Sữa hạt làm bằng máy xay sinh tố có tốt không?

Sữa hạt làm bằng máy xay sinh tố có hương vị thơm ngon và giàu dinh dưỡng, nhưng không tốt bằng sữa hạt làm từ máy làm sữa hạt. Lý do là vì bạn cần lọc bỏ bớt bã sau khi xay hạt bằng máy xay sinh tố, do đó loại bỏ phần lớn chất xơ có trong hạt.

Dùng máy xay sinh tố làm sữa hạt cần nhiều công đoạn và dụng cụ, thành phẩm sữa thường hơi lợn cợn do khó lọc hết bã. Các loại máy làm sữa hạt tốt sẽ giúp bạn làm sữa hạt nhanh và tiết kiệm công sức, cho thành phẩm sữa mịn và nhiều chất xơ hơn.

Cách làm sữa đậu nành bằng máy xay sinh tố

Cách làm sữa hạt đậu nành bằng máy xay sinh tố gồm 6 bước đã được hướng dẫn ở trên. Dưới đây là một số hướng dẫn chi tiết cho sữa đậu nành:

  • Thời gian ngâm hạt: Ngâm đậu nành từ 8 – 12 tiếng hoặc qua đêm. Sau khi ngâm nhặt bỏ phần vỏ lụa của hạt đậu và rửa sạch lại với nước.
  • Xay hạt: Cho đậu và nước vào cối xay theo tỉ lệ 1:1, nghĩa là nước xâm xấp mặt hạt. Nếu muốn sữa đặc hoặc lỏng hơn thì bạn tăng giảm lượng nước. Xay đến khi hạt nhuyễn mịn thì đem lọc qua rây hoặc khăn vải.
  • Nấu sữa: Nấu sữa đậu nành trên bếp ở lửa nhỏ và khuấy đều tay cho đến khi sôi, thêm đường hoặc sữa đặc tùy thích.
  • Bảo quản: Uống ngay hoặc để nguội rồi đổ vào chai đậy nắp kín, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh từ 1 – 2 ngày.
Picture of Tran Thuy Duyen
Tran Thuy Duyen
Duyên là một Integrative Nutrition Health Coach được công nhận bởi Institute of Integrative Nutrition (IIN - Hoa Kỳ). Duyên yêu thích việc học hỏi và áp dụng các kiến thức đã học được vào cuộc sống của mình. Sở thích là viết lách, chia sẻ, đọc sách và du lịch.

* Một số đường link trong bài viết này có thể là link tiếp thị liên kết. Khi bạn mua hàng qua các đường link này, người bán sẽ trả cho tôi một phần nhỏ hoa hồng mà không làm phát sinh thêm chi phí nào cho bạn. Đó cũng là cách bạn ủng hộ tôi tiếp tục cung cấp thông tin chất lượng và miễn phí. Xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ của bạn.

error:
Xem mục lục