18 cách phòng bệnh đường hô hấp hiệu quả nhất cho gia đình

Các các ngăn ngừa bệnh đường thở

Hệ hô hấp là hệ cơ quan có tác dụng chính là trao đổi khí và tham gia vào quá trình điều hòa pH máu. Phòng ngừa các bệnh đường hô hấp (đường thở) rất quan trọng vì bệnh lý hô hấp làm giảm chất lượng cuộc sống và có tính lây truyền cao. Các bệnh đường hô hấp phổ biến nhất là cúm, cảm lạnh, viêm họng, viêm phế quản, hen suyễn,…

Để bảo vệ cơ thể và phòng ngừa bệnh lý đường hô hấp, hãy áp dụng 18 biện pháp sau đây:

  1. Tiêm vắc xin
  2. Làm sạch tay đúng cách và thường xuyên
  3. Vệ sinh mũi họng hàng ngày
  4. Nạp đầy đủ chất dinh dưỡng
  5. Uống đủ nước
  6. Ngủ đủ giấc
  7. Tập luyện thể dục vừa sức
  8. Cải thiện sức khỏe tinh thần
  9. Hạn chế rượu bia, thuốc lá
  10. Hạn chế ra ngoài khi thời tiết cực đoan
  11. Tránh thay đổi nhiệt độ cơ thể đột ngột
  12. Vệ sinh răng miệng thường xuyên
  13. Giữ ấm cơ thể đúng cách khi trời lạnh
  14. Đeo khẩu trang khi ở nơi không khí ô nhiễm
  15. Loại bỏ các tác nhân gây dị ứng trong không khí
  16. Duy trì độ ẩm và nhiệt độ thích hợp trong nhà
  17. Nhận biết và xử lý bệnh đường hô hấp kịp thời
  18. Tránh tiếp xúc với người bị bệnh hô hấp hoặc đi đến nơi có dịch bệnh hô  hấp

Cách thực hiện và tầm quan trọng của mỗi biện pháp trên với đường thở sẽ được giải thích chi tiết trong bài viết này. 

Hiện nay, có nhiều thiết bị gia dụng hỗ trợ việc ngăn ngừa bệnh đường hô hấp như các thiết bị lọc không khí, kiểm soát độ ẩm, kiểm soát nhiệt độ trong nhà như máy lạnh, máy sưởi,… Lợi ích của các thiết bị này với hệ hô hấp sẽ được giới thiệu ngắn gọn ở phần cuối của bài viết.

1. Tiêm vắc xin

Vắc xin là các chế phẩm sinh học được điều chế từ các tác nhân gây bệnh đã được làm yếu hoặc bất hoạt, giúp cơ thể tạo ra khả năng miễn dịch chống lại các bệnh cụ thể. Khi tiêm vắc xin, cơ thể được kích thích để sản xuất kháng thể và ghi nhớ cách chống lại bệnh nếu gặp lại tác nhân gây bệnh trong tương lai.

Tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa các bệnh đường hô hấp. Vắc xin giúp cơ thể tạo ra miễn dịch mà không cần phải mắc bệnh. Theo VNVC, vắc xin phòng các bệnh do phế cầu giúp giảm thời gian nằm viện trung bình đến 41,7% và vắc xin phòng cúm có hiệu quả lên đến 90%. Việc tiêm vắc xin không chỉ bảo vệ bản thân mà còn góp phần tạo ra miễn dịch cộng đồng, ngăn chặn sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm. 

Tiêm vắc xin phòng bệnh cúm

Hiện nay, có nhiều loại vắc xin giúp phòng ngừa các bệnh đường hô hấp  như:

  • Vắc xin cúm: Giúp phòng ngừa các chủng virus cúm A và B.
  • Vắc xin phế cầu khuẩn: Phòng ngừa các bệnh do vi khuẩn Streptococcus pneumoniae gây ra, như viêm phổi, viêm màng não.
  • Vắc xin Hib (Haemophilus influenzae type b): Phòng ngừa viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib gây ra.
  • Vắc xin ho gà: Giúp ngăn ngừa bệnh ho gà.

Hầu hết mọi người đều nên tiêm vắc xin phòng ngừa các bệnh đường hô hấp, đặc biệt là trẻ em (bắt đầu từ vài tháng tuổi), người lớn tuổi (đặc biệt là những người trên 65 tuổi), người có bệnh lý nền như bệnh tim, phổi, tiểu đường, người có hệ miễn dịch suy giảm như bệnh nhân ung thư, người nhiễm HIV.

Bạn có thể tiêm vắc xin tại các cơ sở y tế, bệnh viện, trung tâm tiêm chủng hoặc các trạm y tế xã/phường. Tiêm vắc xin nên tuân theo lịch tiêm chủng quốc gia hoặc theo khuyến cáo của bác sĩ. Một số loại vắc xin cần tiêm hàng năm (như vắc xin cúm), trong khi một số loại vắc xin khác chỉ cần tiêm một lần hoặc tiêm nhắc lại sau khoảng thời gian nhất định.

2. Làm sạch tay đúng cách và thường xuyên

Làm sạch tay đúng cách và thường xuyên là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn và virus gây bệnh. Vệ sinh tay sạch sẽ đặc biệt quan trọng trong việc phòng tránh các bệnh đường hô hấp, bao gồm cúm, cảm lạnh thông thường, COVID-19, viêm phổi. 

Hình ảnh dưới đây hướng dẫn quy trình rửa tay đúng cách với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.

Hướng dẫn vệ sinh tay đúng cách

Bạn nên rửa tay trước và sau khi ăn, trước và sau khi chăm sóc người bệnh, sau khi đi vệ sinh, sau khi ho, hắt hơi hoặc xì mũi, sau khi chạm vào các bề mặt công cộng như tay nắm cửa và nút thang máy, sau khi tiếp xúc với vật nuôi hoặc xử lý rác.

3. Vệ sinh mũi họng hàng ngày

Vệ sinh mũi họng hàng ngày là một biện pháp hữu hiệu để bảo vệ hệ hô hấp vì:

  • Loại bỏ tác nhân gây bệnh: Vệ sinh mũi họng giúp loại bỏ các vi khuẩn, virus và bụi bẩn tích tụ trong mũi và họng, ngăn ngừa sự phát triển và lây lan của chúng.
  • Giảm viêm nhiễm: Việc làm sạch mũi họng giúp giảm viêm nhiễm, giảm triệu chứng của các bệnh như viêm mũi, viêm xoang, viêm họng và viêm amidan.
  • Duy trì độ ẩm: Vệ sinh mũi họng giúp duy trì độ ẩm cần thiết cho niêm mạc mũi và họng, ngăn ngừa tình trạng khô rát, kích ứng.
  • Cải thiện chức năng hô hấp: Làm sạch mũi họng giúp thông thoáng đường hô hấp, cải thiện quá trình hô hấp và tăng cường sức khỏe hệ hô hấp.

Để vệ sinh mũi họng tại nhà, bạn sử dụng nước muối sinh lý (NaCl 0.9%), mua ở nhà thuốc hoặc tự pha dung dịch với 1 muỗng cà phê muối pha trong 1 lít nước ấm.

Cách vệ sinh mũi gồm 4 bước sau:

  1. Bước 1: Đứng trước bồn rửa mặt, nghiêng đầu sang một bên.
  2. Bước 2: Dùng dụng cụ rửa mũi hoặc ống nhỏ giọt để bơm nước muối sinh lý vào một lỗ mũi.
  3. Bước 3: Nước muối sẽ chảy qua khoang mũi và ra ngoài qua lỗ mũi kia. Lặp lại với lỗ mũi bên kia.
  4. Bước 4: Xì nhẹ để loại bỏ phần nước muối còn lại và chất nhầy. Không xì quá mạnh để tránh gây tổn thương niêm mạc mũi.

Cách vệ sinh họng gồm 3 bước sau đây:

  1. Bước 1: Ngậm một ngụm nhỏ dung dịch nước muối.
  2. Bước 2: Ngửa đầu ra sau và súc họng trong khoảng 30 giây, đảm bảo dung dịch chạm tới vùng họng sâu.
  3. Bước 3: Nhổ dung dịch ra và lặp lại quy trình 2 – 3 lần.

Việc vệ sinh mũi họng nên được thực hiện hàng ngày, đặc biệt sau khi tiếp xúc với môi trường ô nhiễm hoặc có nguy cơ lây nhiễm cao.

4. Nạp đầy đủ chất dinh dưỡng

Nạp đầy đủ chất dinh dưỡng giúp cơ thể duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh, từ đó tăng khả năng tiêu diệt các tác nhân gây bệnh hô hấp như virus, vi khuẩn và nấm. Dinh dưỡng hợp lý còn giúp cơ thể phục hồi nhanh chóng khi mắc bệnh và giảm thiểu các biến chứng nghiêm trọng.

Để phòng ngừa các bệnh về đường hô hấp, bạn cần bổ sung các thực phẩm tốt hệ hô hấp vào bữa ăn hàng ngày. Theo Healthline, các thực phẩm tốt cho phổi nhất là củ dền, rau cải lá xanh, ớt chuông, táo, bí đỏ, nghệ, cà chua, việt quất, trà xanh, củ cải tím, dầu oliu, đậu nành Nhật Edamame, hàu, sữa chua, hạt Brazil, cà phê, cải cầu vồng, lúa mạch, đậu lăng, cacao

5. Uống đủ nước

Uống đủ nước giúp duy trì sức khỏe tổng thể, bao gồm cả hệ hô hấp. Các tác dụng của nước với hệ hô hấp được liệt kê dưới đây:

  • Duy trì độ ẩm: Nước giữ cho niêm mạc mũi, họng và phổi luôn ẩm, giúp ngăn ngừa sự khô rát và giảm nguy cơ nhiễm trùng.
  • Làm loãng dịch nhầy: Nước giúp dịch nhầy trong đường hô hấp loãng hơn, dễ dàng được đẩy ra ngoài, giảm tắc nghẽn và khó thở.
  • Thải độc: Nước hỗ trợ quá trình loại bỏ các chất độc hại và vi khuẩn ra khỏi cơ thể qua nước tiểu và mồ hôi.
  • Tăng cường hệ miễn dịch: Nước giúp các tế bào miễn dịch hoạt động hiệu quả hơn, từ đó tăng cường khả năng chống lại các bệnh tật.

Lượng nước cần uống mỗi ngày tùy thuộc vào tuổi, giới tính, mức độ hoạt động và điều kiện thời tiết. Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia Hoa Kỳ khuyến nghị nam giới trưởng thành nên uống khoảng 3,7 lít (tương đương 13 cốc) nước mỗi ngày và nữ giới trưởng thành nên uống 2,7 lít (tương đương 9 cốc) nước mỗi ngày. Bạn nên uống nhiều nước hơn để bù đắp lượng nước mất đi, nếu bạn hoạt động thể chất nhiều, sống ở nơi có khí hậu nóng, hoặc đang ốm.

Uống đủ nước giúp ngừa bệnh hô hấp

Nước lọc là lựa chọn tốt nhất để duy trì độ ẩm và hỗ trợ các chức năng cơ bản của cơ thể. Ngoài ra, các loại nước khác tốt cho hệ hô hấp là nước trái cây, nước dừa, trà thảo mộc (trà xanh, trà gừng, trà hoa cúc), nước canh. Không nên tiêu thụ các loại đồ uống có chứa caffeine và cồn như cà phê, trà đen, rượu, vì chúng có thể gây mất nước.

6. Ngủ đủ giấc

Ngủ đủ giấc giúp cơ thể được nghỉ ngơi và phục hồi, từ đó duy trì và cải thiện sức khỏe hệ hô hấp. Các lợi ích của việc ngủ đủ giấc đến sức khỏe hệ hô hấp bao gồm:

  • Tăng cường hệ miễn dịch: Giấc ngủ đủ và chất lượng giúp cơ thể sản xuất và giải phóng các cytokine, các protein quan trọng trong phản ứng miễn dịch, từ đó tăng khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn và virus.
  • Giảm viêm: Ngủ đủ giấc giúp giảm mức độ viêm trong cơ thể, bao gồm cả các cơ quan hô hấp, từ đó giảm nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp.
  • Cải thiện chức năng phổi: Giấc ngủ đủ giúp duy trì sự linh hoạt và chức năng của cơ phổi, hỗ trợ quá trình hô hấp hiệu quả hơn.
  • Điều chỉnh nhịp thở: Khi bạn ngủ, hệ thống thần kinh điều chỉnh nhịp thở, giúp phổi hoạt động ổn định và hiệu quả, giảm nguy cơ mắc các rối loạn hô hấp như ngừng thở lúc ngủ.

Thời gian ngủ cần thiết khác nhau giữa các cá nhân. Theo Vinmec, người lớn (18 – 64 tuổi) cần ngủ 7 – 9 giờ/ngày, người già (65 tuổi trở lên) cần ngủ 7 – 8 giờ/ngày, trẻ sơ sinh (0 – 3 tháng) cần ngủ 14 – 17 giờ/ngày và giảm dần khi trẻ lớn, thanh thiếu niên (14 – 17 tuổi) cần ngủ 8 – 10 giờ/ngày.

7. Tập luyện thể dục vừa sức

Tập thể dục vừa sức mang lại nhiều lợi ích cho hệ hô hấp, bao gồm: Cải thiện dung tích phổi, tăng cường cơ hô hấp, tăng cường miễn dịch, giảm triệu chứng bệnh mãn tính (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hay hen suyễn), loại bỏ chất độc.

Các bài tập thể dục tốt nhất để phòng ngừa bệnh hô hấp là đi bộ nhanh, chạy bộ, đạp xe, bơi lội, yoga. Ngoài ra, tập luyện các bài tập thở sâu và thở bụng giúp cải thiện khả năng kiểm soát hơi thở và tăng cường dung tích phổi.

Một số môn thể thao tốt cho hệ hô hấp

8. Cải thiện sức khỏe tinh thần

Căng thẳng và stress ảnh hưởng đến sức khỏe hệ hô hấp vì thường gây thở nhanh, gia tăng lưu thông máu, có thể tăng cảm giác khó thở ở những người đang mắc bệnh hô hấp. Tinh thần thoải mái và trạng thái tinh thần tích cực giúp bảo vệ hệ hô hấp nhờ tăng cường sức đề kháng, cải thiện dung tích phổi khi thở sâu và thoải mái. 

Để cải thiện sức khỏe tinh thần, bạn hãy tập thở sâu, thực hành thiền và tập yoga, hoạt động thể chất, dành thời gian cho bản thân, ngủ đủ giấc, ăn uống lành mạnh và tham gia các hoạt động xã hội.

9. Hạn chế rượu bia, thuốc lá

Hạn chế hoặc loại bỏ rượu bia và thuốc lá là biện pháp quan trọng để bảo vệ hệ hô hấp, giúp bạn sống khỏe mạnh và lâu dài. Cả rượu bia và thuốc lá đều có tác động tiêu cực đến phổi và gây ra nhiều vấn đề sức khỏe.

Uống nhiều rượu bia làm suy giảm miễn dịch, tăng nguy cơ viêm phổi và nhiễm trùng hô hấp. Số liệu từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy rượu bia gây ra khoảng 2,6 triệu ca tử vong vào năm 2019.

Thuốc lá là nguyên nhân gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và ung thư phổi. Theo WHO, thuốc lá gây ra khoảng 8 triệu ca tử vong hàng năm, trong đó có 1,3 triệu ca do hít khói thụ động. Theo Báo cáo của Tổng Y sĩ năm 2004 của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, so với những người không hút thuốc, nam giới hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn khoảng 23 lần và phụ nữ hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh cao hơn khoảng 13 lần. Hút thuốc gây ra khoảng 90% ca tử vong do ung thư phổi ở nam giới và gần 80% ở phụ nữ.

Hạn chế rượu bia và thuốc lá giảm nguy cơ ung thư phổi

10. Hạn chế ra ngoài khi thời tiết cực đoan

Một số hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như nắng nóng gay gắt hay mưa to gió lớn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe hô hấp của con người. 

  • Nắng nóng gay gắt: Không khí khô nóng làm niêm mạc mũi, họng bị khô, dễ bị kích ứng và viêm. Thời tiết nắng nóng thường đi kèm với mức độ ô nhiễm không khí cao, ảnh hưởng đến phổi và gây ra các triệu chứng như khó thở, ho, viêm phế quản. Nắng nóng gây mất nước, làm giảm khả năng tự bảo vệ của cơ thể trước các tác nhân gây bệnh.
  • Mưa to gió lớn: Không khí ẩm ướt tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn, nấm mốc, gây ra các bệnh nhiễm trùng hô hấp. Gió lớn có thể mang theo các hạt bụi, phấn hoa, và các chất gây dị ứng khác, làm tăng nguy cơ viêm nhiễm đường hô hấp. Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể làm suy yếu hệ miễn dịch, dễ mắc các bệnh hô hấp như cảm lạnh, viêm họng.

Hạn chế ra ngoài khi thời tiết cực đoan giúp giảm thiểu tác động tiêu cực lên hệ hô hấp và duy trì sức khỏe tốt.

Nắng nóng gay gắt và mưa to gió lớn dễ gây bệnh hô hấp

11. Tránh thay đổi nhiệt độ cơ thể đột ngột

Thay đổi nhiệt độ cơ thể đột ngột có thể gây hại cho đường hô hấp, cụ thể như sau:

  • Gây kích thích niêm mạc hô hấp: Khi nhiệt độ thay đổi đột ngột, niêm mạc mũi, họng và phổi có thể bị kích thích, dẫn đến viêm nhiễm và các triệu chứng như ho, đau họng, khó thở.
  • Tăng nguy cơ co thắt phế quản: Thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể gây co thắt phế quản, dẫn đến khó thở và các triệu chứng nặng hơn với người bị hen suyễn.
  • Suy giảm hệ miễn dịch: Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột làm cơ thể mất cân bằng, khiến hệ miễn dịch suy yếu, tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như viêm phế quản, cảm lạnh.

Vì thế, khi chuyển từ môi trường lạnh sang nóng hoặc ngược lại, hãy để cơ thể có thời gian thích nghi bằng cách ở lại khu vực trung gian nhiệt độ một thời gian trước khi di chuyển. Để nhiệt độ điều hòa chênh lệch so với nhiệt độ ngoài trời không quá 5℃ – 7℃ để giảm thiểu sốc nhiệt. Tránh uống nước lạnh hoặc ăn thực phẩm lạnh ngay sau khi từ môi trường nóng bước vào.

12. Vệ sinh răng miệng thường xuyên

Vệ sinh răng miệng thường xuyên có tác dụng quan trọng trong việc bảo vệ đường hô hấp vì khuẩn từ miệng có thể lan xuống cổ họng và đường hô hấp dưới, gây ra các bệnh như viêm họng, viêm phổi. 

Để vệ sinh răng miệng đúng cách, bạn hãy đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày và sử dụng chỉ nha khoa, nước súc miệng để loại bỏ thức ăn thừa và vi khuẩn trong miệng.

13. Giữ ấm cơ thể đúng cách khi trời lạnh

Giữ ấm cơ thể khi trời lạnh rất quan trọng để phòng ngừa bệnh đường hô hấp vì nhiệt độ lạnh có thể làm suy yếu hệ miễn dịch, tăng nguy cơ mắc các bệnh như cảm lạnh, viêm phế quản và viêm phổi. Khi cơ thể lạnh, niêm mạc đường hô hấp trở nên khô và dễ bị kích thích, tạo điều kiện thuận lợi cho virus và vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh.

Để giữ ấm cơ thể trong thời tiết lạnh giá, hãy thực hiện các biện pháp sau:

  • Mặc nhiều lớp quần áo để dễ dàng điều chỉnh nhiệt độ cơ thể, giữ ấm hiệu quả.
  • Giữ ấm các bộ phận quan trọng và dễ mất nhiệt như đầu, cổ, tay và chân.
  • Mặc áo khoác dày, chống gió.
  • Uống nước ấm, ăn đồ ăn nóng
  • Hạn chế ra ngoài khi trời lạnh
Giữ ấm cơ thể trong thời tiết lạnh

14. Đeo khẩu trang khi ở nơi không khí ô nhiễm

Đeo khẩu trang khi ở nơi không khí ô nhiễm biện pháp đơn giản để bảo vệ đường hô hấp khỏi các hạt bụi mịn, chất gây dị ứng, vi khuẩn và virus. Khẩu trang giúp ngăn chặn sự xâm nhập của các tác nhân gây hại vào phổi, giảm nguy cơ mắc các bệnh như viêm phổi, viêm phế quản, và hen suyễn.

Các loại khẩu trang tốt mà bạn nên sử dụng là:

  • Khẩu trang N95: Lọc được 95% các hạt bụi mịn và vi khuẩn, rất hiệu quả trong môi trường ô nhiễm nặng.
  • Khẩu trang y tế: Phù hợp cho sử dụng hàng ngày, bảo vệ đường hô hấp khỏi vi khuẩn và giọt bắn.
  • Khẩu trang vải nhiều lớp: Có thể tái sử dụng sau khi giặt, hiệu quả trong việc lọc bụi và giọt bắn khi được làm từ vải chất lượng cao.

15. Loại bỏ những tác nhân gây dị ứng trong không khí

Tác nhân gây dị ứng trong không khí bao gồm bụi, phấn hoa, lông thú, mạt bụi nhà, nấm mốc và các hạt hóa chất. Những tác nhân này có thể gây ra các phản ứng dị ứng như hắt hơi, chảy nước mũi, ngứa mũi, và khó thở.

Khi hít phải các tác nhân gây dị ứng, niêm mạc đường hô hấp có thể bị kích thích, dẫn đến viêm và sưng. Điều này có thể gây ra các triệu chứng như viêm mũi dị ứng, viêm phế quản, và trong trường hợp nghiêm trọng, có thể kích hoạt các cơn hen suyễn.

Loại bỏ các tác nhân gây dị ứng trong không khí giúp bảo vệ đường hô hấp, giảm nguy cơ viêm nhiễm và các triệu chứng dị ứng, mang lại môi trường sống trong lành và an toàn hơn.

Dưới đây là một số cách hiệu quả để giảm thiểu và loại bỏ các tác nhân gây dị ứng trong nhà:

  • Giữ nhà cửa sạch sẽ: Hút bụi và lau chùi nhà cửa thường xuyên, đặc biệt là thảm, rèm cửa và các bề mặt dễ bám bụi.
  • Sử dụng máy lọc không khí: Máy lọc không khí có bộ lọc HEPA có thể loại bỏ hiệu quả các hạt bụi mịn và phấn hoa.
  • Kiểm soát độ ẩm: Giữ độ ẩm trong nhà khoảng 50% để ngăn chặn sự phát triển của nấm mốc và mạt bụi nhà.
  • Giặt chăn ga thường xuyên: Giặt chăn, ga, gối ở nhiệt độ cao để loại bỏ mạt bụi và lông thú.
  • Tránh để cửa sổ mở trong mùa phấn hoa: Đóng cửa sổ để ngăn chặn phấn hoa xâm nhập vào nhà trong mùa cao điểm.
Một số cách loại bỏ tác nhân dị ứng trong không khí

16. Duy trì độ ẩm và nhiệt độ thích hợp trong nhà

Độ ẩm và nhiệt độ trong nhà có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe hệ hô hấp, đặc biệt là với người bị hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).

  • Độ ẩm: Độ ẩm dưới 30% có thể gây khô da và niêm mạc, dễ gây viêm họng và kích ứng đường hô hấp. Độ ẩm trên 60% tạo điều kiện cho nấm mốc và vi khuẩn phát triển, gây viêm phổi và viêm phế quản.
  • Nhiệt độ: Theo Vinmec nhiệt độ thấp dưới 0°C và cao trên 32,2°C có thể khiến hô hấp trở nên khó khăn, đặc biệt là với người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).

Duy trì độ ẩm và nhiệt độ thích hợp trong nhà giúp bảo vệ sức khỏe hệ hô hấp, giảm nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm và tạo môi trường sống thoải mái, lành mạnh. Để duy trì độ ẩm và nhiệt độ thích hợp trong nhà, bạn hãy sử dụng máy tạo độ ẩm và máy hút ẩm, điều hòa hoặc máy sưởi, mở cửa sổ để lưu thông gió, và sử dụng các biện pháp cách nhiệt như rèm cửa, thảm.

17. Nhận biết và xử lý bệnh đường hô hấp kịp thời

Nhận biết sớm các triệu chứng bệnh đường hô hấp giúp điều trị kịp thời và ngăn ngừa biến chứng. Các triệu chứng phổ biến của bệnh đường hô hấp bao gồm: ho khan hoặc có đờm, thở gấp, thở khò khè, rát họng, khó nuốt, sốt kèm theo cảm giác ớn lạnh, nghẹt mũi, sổ mũi.

Khi phát hiện các dấu hiệu bệnh đường hô hấp, hãy thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Nghỉ ngơi, uống đủ nước và rửa mũi họng bằng nước muối sinh lý sẽ giúp giảm viêm, loại bỏ vi khuẩn và giúp cơ thể hồi phục nhanh chóng hơn.

18. Tránh tiếp xúc với người bị bệnh hô hấp hoặc đi đến nơi có dịch bệnh hô  hấp

Tránh tiếp xúc với người bệnh hoặc đến nơi có dịch bệnh hô hấp giúp giảm nguy cơ tiếp xúc với virus, vi khuẩn gây bệnh. Điều này đặc biệt quan trọng với các bệnh lây qua đường hô hấp như cúm, COVID-19. Khi tránh tiếp xúc với tác nhân gây bệnh, hệ miễn dịch của bạn sẽ ít phải đối mặt với các thách thức, giúp duy trì sức khỏe tốt hơn.

Trong trường hợp bất khả kháng, hãy tránh tiếp xúc gần với người bị bệnh, giữ khoảng cách ít nhất 1-2 mét, đeo khẩu trang và vệ sinh tay thường xuyên để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh đường hô hấp.

Những thiết bị gia dụng nào giúp phòng tránh bệnh đường hô hấp?

Các thiết bị gia dụng hữu ích trong việc phòng ngừa bệnh hô hấp được liệt kê dưới đây:

  1. Máy lọc không khí: Là thiết bị loại bỏ các hạt bụi mịn, vi khuẩn, virus, phấn hoa và các chất gây dị ứng khác trong không khí. Máy lọc không khí cải thiện chất lượng không khí trong nhà, giảm nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp như hen suyễn, viêm mũi dị ứng.
  2. Máy tạo độ ẩm: thiết bị duy trì độ ẩm trong không khí bằng cách phun sương hoặc hơi nước. Máy tạo ẩm ngăn ngừa tình trạng khô niêm mạc mũi, họng và da, giảm nguy cơ kích ứng và viêm nhiễm đường hô hấp.
  3. Máy hút ẩm: Là thiết bị loại bỏ độ ẩm dư thừa trong không khí, từ đó ngăn chặn sự phát triển của nấm mốc và mạt bụi, giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp do môi trường ẩm ướt.
  4. Máy điều hòa không khí: Là thiết bị điều chỉnh nhiệt độ và độ ẩm trong không gian sống. Máy điều hòa duy trì nhiệt độ và độ ẩm lý tưởng trong phòng, giúp ngăn ngừa các bệnh hô hấp do thay đổi thời tiết đột ngột.
  5. Quạt không cánh: Là thiết bị làm mát sử dụng công nghệ không cánh, tạo luồng gió mát mà không gây bụi, an toàn và dễ vệ sinh. Vì thế, quạt không cánh giảm thiểu nguy cơ kích ứng đường hô hấp.
  6. Quạt tháp: Là thiết bị làm mát dạng tháp, tiết kiệm không gian, tạo luồng gió mát mạnh mẽ và đều, lọc bụi hiệu quả. Quạt tháp hỗ trợ duy trì nhiệt độ trong phòng phù hợp, đồng thời lọc bớt bụi bẩn trong không khí, giúp ngăn ngừa các bệnh hô hấp. 
  7. Quạt điều hòa: Là thiết bị làm mát kết hợp giữa quạt và hơi nước. Quạt điều hòa làm mát và giữ độ ẩm không khí ổn định, giảm khô niêm mạc.
  8. Máy sưởi: Là vật dụng cung cấp nhiệt để làm ấm không gian sống, có tác dụng giữ ấm cơ thể, ngăn ngừa bệnh hô hấp trong mùa lạnh. Máy sưởi gốmmáy sưởi dầu là 2 dòng máy sưởi phổ biến nhất trên thị trường hiện nay. 
  9. Quạt sưởi: Là thiết bị làm ấm không khí bằng cách sử dụng quạt để thổi hơi nóng. Quạt sưởi tạo không khí ấm áp, giúp cơ thể giữ ấm và ngăn ngừa các bệnh hô hấp khi thời tiết lạnh.
  10. Đèn sưởi nhà tắm: Là dụng cụ phát ra nhiệt để làm ấm không gian nhà tắm. Đèn sưởi giúp giữ ấm khi tắm, ngăn ngừa cảm lạnh và các bệnh hô hấp do lạnh đột ngột.
  11. Quạt thông gió: Là thiết bị lưu thông không khí trong nhà, loại bỏ không khí tù đọng, từ đó giảm độ ẩm và loại bỏ các chất gây ô nhiễm, giúp không khí trong lành hơn và giảm nguy cơ mắc bệnh hô hấp.
  12. Máy hút bụi có bộ lọc HEPA: Là thiết bị vệ sinh nhà cửa có bộ lọc hiệu quả cao, loại bỏ các hạt bụi mịn và các chất gây dị ứng. Máy hút bụi giúp làm sạch không gian sống, giảm nguy cơ dị ứng và viêm nhiễm đường hô hấp.
  13. Robot hút bụi lau nhà: Là thiết bị tự động hút bụi và lau sàn nhà, giữ cho sàn nhà sạch sẽ, giảm bụi bẩn và các chất gây dị ứng.
  14. Cây lau nhà hơi nước: Là dụng cụ làm sạch sàn nhà sử dụng hơi nước. Máy lau nhà hơi nước diệt khuẩn hiệu quả mà không cần dùng hóa chất, giữ sàn nhà sạch sẽ và an toàn cho đường hô hấp.
  15. Bếp từ: Là thiết bị nấu ăn sử dụng từ trường để làm nóng nồi, chảo. Sử dụng bếp từ giảm khói và khí độc hại, ngăn ngừa ô nhiễm không khí trong nhà hơn so với bếp than hoặc bếp ga.
  16. Máy hút mùi nhà bếp: Là thiết bị loại bỏ mùi, khói và hơi dầu mỡ từ nấu nướng, giữ không khí trong bếp luôn sạch, giảm nguy cơ kích ứng đường hô hấp.
  17. Thùng rác thông minh: Là loại thùng rác có cảm biến tự động mở nắp khi tiếp cận, ngăn chặn vi khuẩn và mùi hôi phát tán, giữ vệ sinh không gian sống.

Sử dụng các thiết bị gia dụng kể trên không chỉ giúp cải thiện chất lượng không khí mà còn bảo vệ sức khỏe hệ hô hấp của cả gia đình, tạo môi trường sống an toàn và lành mạnh.

Nhiều thiết bị gia dụng rất hữu ích cho việc ngừa bệnh hô hấp

Các bệnh đường hô hấp thường gặp

Các bệnh lý đường hô hấp rất đa dạng, bao gồm:

  • Cảm lạnh thông thường: Là bệnh do virus gây ra, phổ biến nhất là rhinovirus. Cảm lạnh gây nghẹt mũi, sổ mũi, đau họng, ho, và sốt nhẹ.
  • Cúm (Influenza): Là bệnh nhiễm virus cấp tính do virus cúm A, B hoặc C gây ra. Cúm gây sốt cao, đau đầu, mệt mỏi, đau cơ và viêm họng, có thể gây biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi.
  • Viêm phổi: Là bệnh lý nhiễm trùng phổi do vi khuẩn, virus hoặc nấm. Viêm phổi gây ho có đờm, sốt cao, khó thở, đau ngực, và mệt mỏi.
  • Viêm phế quản: Là bệnh lý viêm nhiễm các ống phế quản trong phổi. Bệnh viêm phế quản gây ho có đờm, khó thở, mệt mỏi và cảm giác nặng ngực.
  • Hen suyễn: Là một bệnh mạn tính của đường hô hấp, gây co thắt và viêm nhiễm các ống phế quản. Hen suyễn gây khó thở, ho, thở khò khè và tức ngực.
  • Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD): Là bệnh phổi mạn tính gây khó thở do tắc nghẽn luồng khí. COPD gây ra tình trạng ho mãn tính, tiết đờm, khó thở và giảm khả năng vận động.
  • Viêm xoang: Là bệnh lý viêm nhiễm các xoang quanh mũi, gây nghẹt mũi, đau nhức mặt, ho, và giảm khứu giác.
  • Viêm họng: Là chứng viêm nhiễm niêm mạc họng do vi khuẩn hoặc virus. Viêm họng gây đau họng, khó nuốt, sưng họng, và sốt nhẹ.
  • Lao phổi: Là bệnh nhiễm trùng phổi do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra. Bệnh lao phổi gây ho kéo dài, đau ngực, sốt, đổ mồ hôi đêm và giảm cân không rõ nguyên nhân.
  • Viêm thanh quản: Là tình trạng viêm nhiễm dây thanh quản do vi khuẩn, virus hoặc kích ứng. Viêm thanh quản gây khàn giọng, mất giọng, đau họng và khó thở.
  • Viêm phổi do COVID-19: Là bệnh lý viêm phổi do virus SARS-CoV-2 gây ra. COVID-19 gây sốt, ho, khó thở, mệt mỏi và có thể dẫn đến suy hô hấp nghiêm trọng.

Các tác nhân nào gây hại đường hô hấp?

Các tác nhân gây hại cho đường thở bao gồm: khói thuốc lá, bụi mịn, khí thải từ xe cộ và nhà máy công nghiệp, khí amoniac, formaldehyde, và các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC), vi khuẩn và vi rút, phấn hoa và nấm mốc, nhiệt độ và độ ẩm.

Hệ hô hấp gồm những cơ quan nào?

Hệ hô hấp gồm 8 cơ quan sau, theo thứ tự từ trên xuống dưới: 

  • Mũi: Lọc, làm ẩm và làm ấm không khí trước khi vào phổi.
  • Họng (hầu): Chuyển không khí từ mũi và miệng vào thanh quản.
  • Thanh quản: Bảo vệ đường hô hấp dưới và tạo ra âm thanh.
  • Khí quản: Dẫn không khí từ thanh quản vào phế quản.
  • Phế quản: Chia khí quản thành hai nhánh vào phổi.
  • Phổi: Thực hiện trao đổi khí, cung cấp oxy cho máu và loại bỏ CO2.
  • Phế nang: Túi khí nhỏ trong phổi, nơi xảy ra trao đổi khí.
  • Cơ hoành: Cơ chính hỗ trợ hô hấp bằng cách thay đổi áp suất trong lồng ngực.

Các chức năng của hệ hô hấp

Hệ hô hấp thực hiện 5 chức năng sau:

  1. Trao đổi khí: Cung cấp oxy cho máu và loại bỏ khí carbon dioxide.
  2. Điều hòa pH máu: Giữ cân bằng axit-base thông qua việc điều chỉnh mức CO2.
  3. Bảo vệ: Lọc các hạt bụi và vi khuẩn qua lông mũi, dịch nhầy và phản xạ ho.
  4. Tạo âm thanh: Thanh quản tạo ra âm thanh khi nói.
  5. Ngửi: Mũi chứa các tế bào thần kinh cảm nhận mùi.
Picture of Tran Thuy Duyen
Tran Thuy Duyen
Duyên là một Integrative Nutrition Health Coach được công nhận bởi Institute of Integrative Nutrition (IIN - Hoa Kỳ). Duyên yêu thích việc học hỏi và áp dụng các kiến thức đã học được vào cuộc sống của mình. Sở thích là viết lách, chia sẻ, đọc sách và du lịch.

* Một số đường link trong bài viết này có thể là link tiếp thị liên kết. Khi bạn mua hàng qua các đường link này, người bán sẽ trả cho tôi một phần nhỏ hoa hồng mà không làm phát sinh thêm chi phí nào cho bạn. Đó cũng là cách bạn ủng hộ tôi tiếp tục cung cấp thông tin chất lượng và miễn phí. Xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ của bạn.

error:
Xem mục lục