Phụ nữ nhiều lông do những nguyên nhân nào? Cách khắc phục

Nguyên nhân gây nhiều lông

Theo Viện nghiên cứu tổng quát Mass, 10% phụ nữ mắc chứng rậm lông, nghĩa là tình trạng nhiều lông ở những vùng cơ thể mà phụ nữ bình thường không có lông, như mặt, bụng, đùi hoặc mông.

Điều này không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ, mà còn khiến các chị em mất tự tin trong cuộc sống hàng ngày.

Trong bài viết này, hãy cùng mình tìm hiểu các nguyên nhân có thể khiến bạn có nhiều lông. Trên cơ sở đó, bạn có thể định hướng điều trị hoặc tìm giải pháp khắc phục nhé.

Nhiều lông do mất cân bằng hormone

Nhiều lông vùng bụng
Phụ nữ xuất hiện lông ở vùng bụng có thể là dấu hiệu mất cân bằng hormone (Ảnh: Bác Sĩ Lê Văn Vĩnh)

Sự phát triển của lông phụ thuộc vào sự cân bằng giữa nội tiết tố androgen (ví dụ như testosteron) và estrogen. Androgen thúc đẩy lông mọc dày và bóng, trong khi estrogen làm chậm quá trình tăng trưởng của lông và giúp lông mọc mịn và nhẹ hơn.

Theo Trung tâm Y tế Mount Sinai, khoảng một nửa số trường hợp bị rậm lông là do nồng độ cao của hormone sinh dục nam “androgen”, thường do hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) gây ra.

Giải pháp

– Tình trạng này được cải thiện bằng các loại thuốc (thường là thuốc tránh thai) giúp điều chỉnh chức năng của buồng trứng và giảm lượng nội tiết tố androgen mà chúng tiết ra.
– Một giải pháp khác là sử dụng thuốc kháng androgen. Tuy nhiên, bạn không nên dùng loại thuốc này nếu bạn đang chuẩn bị mang thai, vì chúng có thể gây ra dị tật bẩm sinh ở thai nhi.

Bạn đang bước vào thời kỳ mãn kinh

Phụ nữ mãn kinh
Mãn kinh cũng có thể gây tình trạng rậm lông ở phụ nữ (Ảnh: Medlatec)

Theo Hiệp hội Y học Sinh sản Hoa Kỳ (ASRM), khi mức độ estrogen giảm trong thời kỳ mãn kinh, nội tiết tố androgen ở mức độ cân bằng cũng có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn, chẳng hạn như mọc nhiều lông.

Giải pháp

Estrogen thay thế có thể giúp ích cho phụ nữ có nhiều lông mặt trong thời kỳ mãn kinh. Nếu bạn đang gặp tình trạng này, hãy thảo luận với bác sĩ xem giải pháp này có phù hợp với bạn không.

Nhiều lông do bệnh lý tuyến thượng thận

Lông mọc thêm đột ngột do bệnh lý rối loạn tuyến thượng thận là khá hiếm gặp.

Trong hội chứng Cushing, sản phẩm chính của tuyến thượng thận – cortisol – được tăng lên. Cùng với nó, các nội tiết tố androgen dư thừa cũng được giải phóng, khiến lông đột ngột mọc nhiều.

Trong bệnh tăng sản thượng thận bẩm sinh, có sự thiếu hụt một trong các enzym sản xuất cortisol. Kết quả là, cortisol không thể được sản xuất và các tiền chất được chuyển hướng để sản xuất nội tiết tố androgen, dẫn đến sự phát triển quá mức của lông.

Các khối u tuyến thượng thận, thường không phải ung thư, cũng có thể dẫn đến dư thừa nội tiết tố androgen.

Giải pháp

Sử dụng thuốc hoặc phẫu thuật (trong trường hợp có khối u) sẽ khôi phục mức độ hormone và giảm sự phát triển của lông.

Bạn bị thừa cân

Thừa cân, béo phì có thể gây rối loạn nội tiết
Thừa cân, béo phì có thể gây rối loạn nội tiết, khiến phụ nữ nhiều lông

Béo phì làm thay đổi cách cơ thể sản xuất và xử lý hormone. Khi nồng độ insulin trong cơ thể cao, chúng sẽ kích thích sản xuất nội tiết tố nam.

Béo phì cũng có liên quan đến hội chứng buồng trứng đa nang và bệnh tiểu đường – một bệnh lý ảnh hưởng đến mức insulin.

Giải pháp

Có nhiều phương pháp giúp bạn giảm cân. Hãy bắt đầu bằng việc thay đổi các thói quen xấu bởi các thói quen lành mạnh như tập thể dục đều đặn, uống nhiều nước, ngủ đúng giờ, cắt giảm đồ ăn chế biến sẵn, ăn nhiều rau và trái cây.

Bạn có nang lông nhạy cảm với androgen

Nhiều lông trên cơ thể gây mất thẩm mỹ, khiến chị em kém tự tin
Nhiều lông trên cơ thể gây mất thẩm mỹ, khiến chị em kém tự tin

Các thụ thể androgen trong nang lông của bạn có thể siêu nhạy cảm với bất kỳ androgen bình thường nào lưu thông trong máu. Vì vậy, mặc dù mức độ nội tiết tố nam của bạn có thể vẫn ở mức bình thường, nhưng các nang tóc của bạn phản ứng quá mức với nó, khiến bạn rậm lông.

Giải pháp

Trong trường hợp này, bạn có thể loại bỏ lông thông qua các biện pháp tạm thời như cạo lông, tẩy lông, se chỉ, dùng kem tẩy lông; hoặc các phương pháp triệt lông vĩnh viễn như tẩy lông bằng laser, IPL hoặc điện phân.

Bạn đang mang thai

Phụ nữ rậm lông trong thai kỳ

Khi bạn mang thai, các hormone tăng thêm có thể khiến lông, tóc mọc dày hơn, nhanh hơn và đen hơn. Lông thường mọc ở nhiều vùng cơ thể, phổ biến nhất là bụng, mặt, ngực và đùi.

Giải pháp

Theo Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ, hầu hết các phương pháp triệt lông chưa được xác nhận là an toàn cho thai kỳ.
Vì vậy, nếu bạn muốn loại bỏ những sợi lông gây mất thẩm mỹ trong khi mang thai, hãy lựa chọn các phương pháp triệt lông vật lý như cạo lông, se chỉ, tẩy lông bằng đường.

Nhiều lông do tác dụng phụ của thuốc

Nếu bạn dùng steroid, như prednisone, hoặc danazol, để điều trị lạc nội mạc tử cung, bạn có thể bị mọc nhiều lông vì những loại thuốc này có nguồn gốc từ nội tiết tố androgen.

Các loại thuốc khác, như minoxidil, được sử dụng để ngăn chặn hoặc làm chậm quá trình rụng tóc, có thể thúc đẩy sự phát triển của lông, tóc ở những vùng không mong muốn trên cơ thể.

Cyclosporine, một loại thuốc điều trị rối loạn miễn dịch và một số loại thuốc chống động kinh cũng có thể gây ra hiện tượng rậm lông.

Giải pháp

Lông sẽ mọc chậm lại khi bạn ngừng dùng thuốc. Trong khi dùng thuốc, bạn có thể sử dụng các phương pháp tẩy lông tạm thời để loại bỏ lông.

Bạn có bệnh lý tuyến giáp

Người có bệnh lý tuyến giáp
(Ảnh: Pacific Cross)

Thông thường, các vấn đề về tuyến giáp thường gây ra tình trạng rụng lông tóc.

Tuy nhiên, rối loạn chức năng tuyến giáp đôi khi cũng đi kèm với các vấn đề về hormone khác, chẳng hạn như mức prolactin tăng cao, cản trở việc sản xuất bình thường của các hormon khác như estrogen và progesterone. Từ đó gây ra tình trạng mọc lông nhiều bất thường ở phụ nữ.

Giải pháp

Hãy thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị các bệnh lý tuyến giáp.

Nhiều lông do yếu tố di truyền

Đây có lẽ là một nguyên nhân không cần giải thích thêm. Bạn có nhiều lông đơn giản vì bạn được di truyền từ gia đình bạn.

Giải pháp

Bạn không thể thay đổi di truyền của mình, vì vậy bạn sẽ phải áp dụng các phương pháp triệt lông tạm thời hoặc vĩnh viễn.

Nhổ lông quá mức

Nhổ lông quá mức
(Ảnh: Eva)

Việc cạo lông không ảnh hưởng đến nang lông bên dưới vì nó chỉ loại bỏ phần lông trên bề mặt da. Tuy nhiên, nếu bạn nhổ lông ra khỏi nang lông bằng phương pháp như nhổ lông hoặc wax lông, lông thực sự có thể mọc lại nhiều hơn.

Giải pháp

Nếu bạn đang dùng phương pháp nhổ lông và thấy lông mọc lại nhiều hơn, cứng hơn, hãy chuyển sang các phương pháp loại bỏ lông trên bề mặt da khác như dùng máy triệt lông, cạo lông, dùng kem tẩy lông, hoặc dùng thuốc Vaniqa.

Trên đây là 10 nguyên nhân của hiện tượng nhiều lông ở phụ nữ. Nếu bạn đang gặp phải một trong những vấn đề trên, hãy nhanh chóng tìm giải pháp phù hợp để loại bỏ “vi-ô-lông” trên cơ thể nhé.

Nguồn tham khảo: The Healthy – 10 Medical Reasons You’re Hairier Than You Want to Be

Chia sẻ bài viết này

Picture of Tran Thuy Duyen
Tran Thuy Duyen
Duyên là một Integrative Nutrition Health Coach được công nhận bởi Institute of Integrative Nutrition (IIN - Hoa Kỳ). Duyên yêu thích việc học hỏi và áp dụng các kiến thức đã học được vào cuộc sống của mình. Sở thích là viết lách, chia sẻ, đọc sách và du lịch.

Bạn thấy bài viết này giá trị, hãy tặng mình 1 ly cafe nhé!

Bài viết liên quan

Lưu ý: Một số đường link trong bài viết này có thể là link tiếp thị liên kết. Khi bạn mua hàng qua các đường link này, người bán sẽ trả chúng tôi một phần nhỏ hoa hồng và không phát sinh thêm chi phí nào cho bạn. Đó cũng là cách để bạn ủng hộ chúng tôi trong việc cung cấp các thông tin chất lượng và miễn phí. Xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ của bạn.

Bạn có thể tham khảo chi tiết Chính sách riêng tư tại đây.

Mục lục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: