Top 15 thói quen làm hại răng khủng khiếp mà bạn cần tránh

Cắn móng tay làm hại răng

Chải răng ít nhất hai lần một ngày để ngừa sâu răng là khuyến cáo nha khoa mà bạn thường thấy. Tuy nhiên, để hàm răng của bạn luôn chắc khỏe thì chỉ ngừa sâu răng là chưa đủ. Bạn còn cần bảo vệ men răng, chăm sóc nướu và tránh các thói quen gây hại cho răng. Dưới đây là 15 thói quen làm hại răng mà bạn có thể vô tình đang mắc phải. Hãy theo dõi bài viết để biết chúng là gì và tìm cách khắc phục nhé.

Chải răng quá mạnh

Chải răng quá mạnh làm tổn thương nướu

Chải răng là một bước quan trọng để chăm sóc răng miệng, giữ cho răng miệng của bạn luôn khỏe mạnh. Nhưng, việc chải răng quá mạnh có thể khiến răng và nướu của bạn bị tổn thương.

Nhiều người thường nghĩ rằng, chải càng mạnh thì răng càng sạch. Tuy nhiên, đây là quan điểm sai lầm. Lý do là gì?

Thứ nhất, chải răng quá mạnh có thể làm bào mòn lớp men bảo vệ trên răng. Điều này có thể khiến cho răng bạn trở nên nhạy cảm hơn hay thường xuyên ê buốt, đau nhức.

Thứ hai, chải răng quá mạnh có thể khiến nướu của bạn bị tụt hoặc bị đẩy ra xa khỏi chân răng. Điều này sẽ khiến chân răng của bạn bị lộ ra, gây ê buốt và tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Theo các nha sĩ, không có cách nào để khôi phục lại men răng đã bị mất hoặc nướu đã bị tụt. Có một số mẹo mà bạn có thể áp dụng để tránh chải răng quá mạnh, đó là:

  • Sử dụng bàn chải đánh răng điện. Khi bạn nhấn tay quá mạnh, cảm biến áp suất của bàn chải sẽ phát ra tiếng “bíp” để cảnh báo.
  • Sử dụng bàn chải đánh răng có lông mềm. Các loại bàn chải lông cứng có thể khiến nướu của bạn bị tổn thương.

Đọc thêm: Top 7 bàn chải điện tốt nhất để chăm sóc răng

Nhai đá là thói quen làm hại răng nghiêm trọng

Nhai đá là thói quen làm hại răng nghiêm trọng

Rất nhiều người có thói quen nhai đá vì họ thích tiếng nhai rộp rộp và cảm giác lạo xạo trong miệng. Nếu bạn cũng có thói quen như vậy thì bạn nên dừng lại. Vì việc này có thể khiến răng của bạn bị nứt hoặc sứt mẻ.

Một vị bác sĩ ở Nevada cho biết, ông đã từng phải nhổ một chiếc răng khỏe mạnh của một bệnh nhân. Vì anh ấy nhai đá và chiếc răng đã bị vỡ làm đôi.

Một số giải pháp để bạn ngừng việc nhai đá như:

  • Uống nước bằng ống hút để tránh uống cả viên đá vào miệng.
  • Ăn vặt bằng những thức ăn giòn. Ví dụ như cà rốt que, táo hay bỏng ngô.
  • Nhai kẹo cao su không đường để khoang miệng không có cảm giác trống trải.

Ăn uống thực phẩm chứa nhiều đường

Các thực phẩm chứa nhiều đường là một trong những nguyên nhân dẫn đến sâu răng. Ví dụ như kẹo dẻo, nước ngọt, nước ép trái cây,…

Kẹo ngọt là một tác nhân gây hại cho răng

Kẹo dẻo bám dính vào răng của bạn, làm cho đường và axit tiếp xúc với men răng của bạn trong nhiều giờ đồng hồ. Nếu ngày nào bạn cũng ăn nó, bạn sẽ rất dễ bị sâu răng.

Nước ngọt có thể có tới 11 muỗng cà phê đường trong mỗi khẩu phần. Ngoài ra, nó còn chứa axit photphoric và axit xitric. Đây đều là những chất khiến men răng bị bào mòn. Kể cả nước ngọt không đường cũng có thể chứa nhiều axit hơn dưới dạng chất tạo ngọt nhân tạo.

Một loại đồ uống khác cũng chứa nhiều đường là đồ uống thể thao. Một chai đồ uống thể thao lạnh có thể khiến bạn cảm thấy sảng khoái. Nhưng axit có trong chúng có thể làm hỏng men răng của bạn. Tốt nhất, khi tập luyện, bạn nên uống nước không đường, không calo.

Trong nước ép trái cây cũng chứa nhiều đường. Mặc dù nó chứa nhiều vitamin và chất chống oxy hóa, nhưng lượng đường trong một số loại nước ép có thể cao như trong nước ngọt. Ví dụ, lượng đường trong nước cam ép chỉ ít hơn 10g so với lượng đường trong soda cam. Để giảm độ ngọt của nước ép trái cây, bạn có thể pha loãng chúng với một ít nước.

Một số giải pháp để giảm lượng đường trong khẩu phần ăn:

  • Nếu bạn thường xuyên thèm ngọt, hãy ăn những thực phẩm có vị ngọt tự nhiên.
  • Sử dụng ống hút để hạn chế chất lỏng tiếp xúc với răng.

Thói quen ăn vặt nhiều sẽ làm hại răng

Ăn vặt nhiều gây hại cho răng

Bạn có hay ăn vặt không? Khi bạn ăn vặt, nước bọt tiết ra ít hơn so với khi ăn chính. Điều này khiến thức ăn đọng lại trong kẽ răng của bạn lâu hơn. Vi khuẩn trong mảng bám sẽ phân hủy thức ăn giàu tinh bột thành axit. Những axit này có thể tấn công răng của bạn trong 20 phút tiếp theo hoặc lâu hơn.

Bạn có thể sử dụng chỉ nha khoa hoặc tăm nước để lấy thức ăn thừa trong kẽ răng, sau khi ăn khoai tây chiên hoặc các thực phẩm giàu tinh bột khác. Bạn cũng cần tránh ăn vặt quá nhiều và ăn những món ăn nhẹ, ít tinh bột.

Ăn uống vô độ

Ăn uống vô độ là thói quen làm hại răng

Ăn uống vô độ thường liên quan đến việc ăn nhiều đồ ngọt. Việc này có thể dẫn đến sâu răng.

Ngoài ra, chứng ăn vô độ có thể gây ra nhiều tác hại khác như:

  • Các axit mạnh có thể ăn mòn răng, khiến răng giòn và yếu.
  • Hôi miệng (do axit trong thức ăn gây ra).
  • Các vấn đề nghiêm trọng khác về sức khỏe.

Bạn hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn nếu đang gặp phải chứng ăn vô độ, khó kiểm soát.

Dùng viên ngậm trị ho – Thói quen vô tình làm hại răng

Do đặc thù công việc khiến bạn hay bị ho hoặc khan tiếng. Và bạn thường xuyên ngậm các viên ngậm trị ho. Tuy nhiên, không phải loại viên ngậm nào được bán ở hiệu thuốc cũng tốt.

Trong viên ngậm trị ho thường chứa rất nhiều đường. Bạn nên chải răng thật kỹ sau khi ngậm viên ngậm hoặc lựa chọn loại viên ngậm không đường nhé.

Uống nhiều cà phê

Nếu bạn uống cà phê hàng ngày thì bạn cần lưu tâm đến răng của mình. Màu đậm và tính axit của cà phê có thể khiến răng của bạn bị ố vàng theo thời gian.

Nếu răng của bạn bị đổi màu, bạn có thể đến gặp nha sĩ để áp dụng các phương pháp làm trắng răng.

Hút thuốc lá, thuốc lào

Thuốc lá hay thuốc lào có thể khiến răng bạn bị ố vàng. Hoặc khiến răng bị rụng do bệnh nướu răng. Thuốc lá cũng có thể gây ung thư miệng, môi và lưỡi.

Nếu bạn đang tìm một lý do để bỏ thuốc, hãy nghĩ đến nụ cười tuyệt đẹp của mình.

Uống rượu vang đỏ

Rượu vang đỏ khiến răng dễ ố vàng

Các axit trong rượu ăn mòn men răng. Từ đó tạo ra những vết sần sùi trên răng khiến răng dễ bị ố hơn.

Rượu vang đỏ còn chứa một loại chất tạo màu gọi là chất tạo màu tannin. Nó giúp màu đỏ của rượu được lưu lại lâu hơn. Nhưng đồng thời, nó cũng bám màu lại ở trên răng của bạn.

Nghiến răng – Thói quen làm hại răng cần loại bỏ

Có nhiều người nghiến răng khi đi ngủ, mà thậm chí họ còn không biết điều đó. Nghiến răng có thể bào mòn răng, làm tăng nguy cơ sâu răng và gãy xương.

Các dấu hiệu cho thấy bạn có thể đã nghiến răng vào ban đêm. Bao gồm:

  • Khi thức dậy, bạn thấy hàm đau nhức hoặc đầu đau âm ỉ.
  • Bạn cảm thấy bạn luôn nghiến chặt hàm trong ngày.
  • Những vết thương ở bên trong má. Nó có thể do bạn đã cắn phải má khi đang ngủ.

Để giảm những tổn thương do nghiến răng gây ra, bạn có thể đeo dụng cụ bảo vệ hàm khi ngủ. Bạn có thể tham khảo ý kiến của nha sĩ về dụng cụ này.

Những nguyên nhân dẫn đến nghiến răng có thể là do bạn căng thẳng. Tập luyện với cường độ cao như nâng tạ cũng khiến bạn phải nghiến chặt hàm.

Một số khuyến nghị của nha sĩ để ngừng tình trạng nghiến răng:

  • Thư giãn cơ thể như thiền hoặc tắm nước ấm trước khi đi ngủ.
  • Đắp khăn ấm lên mặt giúp nới lỏng hàm và giữ các cơ không bị siết chặt.
  • Xoa bóp hàm để thả lỏng.

Cắn đầu bút chì hoặc cắn móng tay

Bạn có bao giờ cắn đầu bút chì khi đang tập trung làm việc không? Đây là một thói quen vô cùng có hại đối với răng của bạn. Cũng giống như việc nhai đá, nó có thể làm cho răng của bạn bị sứt mẻ hoặc nứt gãy.

Cắn móng tay cũng để lại tác hại tương tự. Mặc dù các vết nứt có thể được hàn lại bằng thủ thuật y khoa. Xong, nếu bạn tiếp tục thói quen này thì các vết hàn coi như không có tác dụng.

Để dừng việc cắn đầu bút chì hoặc cắn móng tay, bạn có thể:

  • Nhai kẹo cao su không đường nếu bạn cần phải nhai một thứ gì đó.
  • Cắt ngắn móng tay để giảm cảm giác muốn cắn móng tay.

Dùng răng xé vỏ bao bì

Đã bao giờ bạn dùng răng để xé vỏ bim bim hay mở nắp chai chưa? Việc này tưởng chừng như vô hại nhưng nó vẫn có thể khiến cho răng bạn tổn thương. Ví dụ như nứt hay sứt mẻ, do vỏ bao bì quá dai hay nắp chai quá cứng.

Nếu bạn cần xé hay mở một thứ gì đó, bạn nên dùng kéo hoặc công cụ mở nắp chai chuyên dụng. Nói tóm lại, răng của bạn chỉ dùng để nhai thức ăn giúp bạn có một quá trình tiêu hóa hợp lý.

Không bảo vệ răng miệng khi chơi thể thao

Không bảo vệ hàm khi chơi thể thao có thể làm gãy răng

Các môn thể thao tiếp xúc như Boxing hay Muay Thái đòi hỏi dùng lực rất mạnh. Nếu bạn bị tác động mạnh vào mặt và bạn không đeo bảo vệ hàm, bạn có thể bị nứt mẻ hoặc thậm chí là gãy răng. Vì vậy, trước khi tham gia, bạn nên đeo bảo vệ hàm để đảm bảo an toàn.

Dụng cụ bảo vệ hàm là một miếng nhựa đúc bảo vệ hàm răng trên. Bạn có thể mua dụng cụ này ở cửa hàng hoặc nhờ nha sĩ làm một chiếc theo yêu cầu của riêng bạn.

Xỏ khuyên lưỡi – Thói quen làm hại răng của giới trẻ

Xỏ khuyên lưỡi là thói quen làm hại răng của giới trẻ

Hiện nay, có rất nhiều bạn trẻ xỏ khuyên lưỡi. Mặc dù nó là mốt, xong vẫn tiềm ẩn nguy cơ gãy răng do cắn vào khuyên kim loại. Khuyên môi cũng có nguy cơ tương tự.

Ngoài ra, khi kim loại cọ sát vào nướu, nướu có thể bị tổn thương dẫn đến viêm nướu, mất răng.

Khoang miệng còn là nơi chứa nhiều vi khuẩn. Vì vậy, xỏ khuyên lưỡi làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và lở loét. Nó còn có thể vô tình đâm trúng mạch máu lớn khiến chảy máu nhiều. Bạn nên thảo luận với nha sĩ về những rủi ro sức khỏe của bạn khi muốn gắn khuyên lưỡi nhé.

Bú bình khi đi ngủ

Bú bình khi ngủ không tốt cho răng của bé

Không bao giờ là quá sớm để bảo vệ răng. Kể cả khi em bé chưa có răng, thì việc bảo vệ khoang miệng và nướu cũng rất cần thiết. Việc cho em bé ăn sữa hoặc uống nước trái cây ngay trước khi đi ngủ có thể khiến răng mới của bé bị sâu.

Để bé ngậm bình sữa qua đêm cũng là điều không tốt. Bởi, trong khoang miệng của bé sẽ luôn có đường. Nó sẽ khiến răng mới và nướu của bé không được khỏe mạnh. Tốt hơn hết, bạn không nên cho bé ăn ngay trước khi đi ngủ. Và nên lấy bình sữa ra khỏi cũi của bé.

Bảo vệ tốt răng miệng sẽ giúp sức khỏe tổng thể của bạn luôn khỏe mạnh. Vì vậy, hãy từ bỏ các thói quen xấu làm hại đến răng của bạn ngay hôm nay.

Nếu bạn có câu hỏi, hãy để lại ở phần bình luận nhé!

Nguồn: WebMD, Insider

Đọc thêm: Hướng dẫn quy trình chăm sóc răng miệng chuẩn khoa học

Chia sẻ bài viết này

Picture of Tran Thuy Duyen
Tran Thuy Duyen
Duyên là một Integrative Nutrition Health Coach được công nhận bởi Institute of Integrative Nutrition (IIN - Hoa Kỳ). Duyên yêu thích việc học hỏi và áp dụng các kiến thức đã học được vào cuộc sống của mình. Sở thích là viết lách, chia sẻ, đọc sách và du lịch.

Bạn thấy bài viết này giá trị, hãy tặng mình 1 ly cafe nhé!

Bài viết liên quan

Lưu ý: Một số đường link trong bài viết này có thể là link tiếp thị liên kết. Khi bạn mua hàng qua các đường link này, người bán sẽ trả chúng tôi một phần nhỏ hoa hồng và không phát sinh thêm chi phí nào cho bạn. Đó cũng là cách để bạn ủng hộ chúng tôi trong việc cung cấp các thông tin chất lượng và miễn phí. Xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ của bạn.

Bạn có thể tham khảo chi tiết Chính sách riêng tư tại đây.

Mục lục

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

error: